Theo trang Frontiers, trước đây, đã có nhiều nghiên cứu về di chứng ở các bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh, tuy nhiên, phần lớn nghiên cứu này chỉ mới tập trung vào các bệnh nhân nặng và nghiêm trọng. Do đó, một nghiên cứu mới đã được tiến hành để đánh giá di chứng của COVID-19 sau gần 1 năm ở các bệnh nhân nhẹ và trung bình và sự phục hồi của họ.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã theo dõi tình trạng của khoảng 120 tình nguyện viên là các bệnh nhân COVID-19 xuất viện từ bệnh viện quận Tây Vũ Hán (Trung Quốc) và bệnh viện tạm trú Fangcang từ ngày 29/1/2020 đến ngày 1/4/2020.
Nghiên cứu theo dõi tình trạng của 120 tình nguyện viên gần 1 năm sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19. Ảnh: SCMP
Những người tham gia được yêu cầu hoàn thành một loạt bảng hỏi để đánh giá các triệu chứng và chất lượng cuộc sống của họ cũng như để đánh giá các vấn đề tâm lý. Ngoài ra, họ cũng trải qua các bài kiểm tra chức năng phổi, CT ngực, kiểm tra đi bộ 6 phút (6MWT), xét nghiệm máu định kỳ, xét nghiệm chức năng gan và thận, xét nghiệm đường huyết lúc đói, xét nghiệm lipid và xét nghiệm kháng thể.
Trong số 120 bệnh nhân, có 104 (86,7%) là trường hợp mắc COVID-19 không nghiêm trọng. Nghiên cứu theo dõi được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 23/11/2020 đến ngày 11/1/2021. Theo đó, khó ngủ, khó thở, mệt mỏi và đau khớp là những triệu chứng phổ biến được ghi nhận trong quá trình theo dõi với gần 1/3 số trường hợp không nghiêm trọng có những triệu chứng này.
Khoảng 56% bệnh nhân COVID-19 phát hiện CT bất thường, bao gồm đục thủy tinh thể (GGO), giãn phế quản, nốt, đường và dải, và xơ hóa.
Nghiên cứu kết luận: "Tại thời điểm theo dõi gần 1 năm sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19, những bệnh nhân đã khỏi bệnh vẫn gặp các vấn đề đa hệ thống, bao gồm các vấn đề về chức năng hô hấp, chụp X quang, chất lượng cuộc sống, lo lắng và trầm cảm. Hơn nữa, những trường hợp không nặng cũng có một số di chứng. Do đó, việc tiến hành theo dõi và ngăn ngừa sự tái nhiễm SARS-CoV-2 ở nhóm này là điều cần thiết".
Minh Hạnh (Theo Frontier)