Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghịch lý gạo xuất khẩu "sốt giá" nhưng doanh nghiệp lại kêu lỗ đậm

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục lập đỉnh mới vào tuần này. Những tưởng doanh nghiệp sẽ càng bội thu khi giá gạo tăng cao, nhưng thực tế lại không như tưởng tượng.

Thông tin trên báo Công Thương, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo Việt tiếp tục xác lập cột mốc mới khi tăng thêm 10 USD/tấn với cả 2 loại gạo 5% và 25% tấm vào tuần này. Cụ thể, gạo 5% điều chỉnh lên mức 663 USD/tấn; gạo 25% lên mức 648 USD/tấn.

Việc giá gạo trắng tăng cũng kéo theo giá một số chủng gạo phân khúc cao cấp cũng điều chỉnh tăng thêm. Điển hình là gạo Jasmine hiện ở mức 748 USD/tấn - tức là tăng khoảng 60 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 8/2023.

Gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục sốt giá khi tăng lên mốc 663 USD/tấn.

Trong khi giá gạo Việt Nam điều chỉnh tăng mạnh thì gạo loại 5% tấm của Thái Lan tiếp tục giảm nhẹ 3 USD, xuống còn 558 USD/tấn; riêng gạo 5% tấm của Pakistan điều chỉnh tăng nhẹ trở lại sau thời gian giảm, lên mức 568 USD/tấn.

Như vậy, từ giữa tháng 7/2023 tới nay gạo Việt liên tục đón tin vui khi xuất khẩu tăng, giá tăng và liên tục thiết lập kỷ lục mới về giá bán. Theo số liệu của Theo Tổng cục Hải Quan, luỹ kế 10 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu 7,1 triệu tấn, tương ứng gần 4 tỷ USD; tăng 17% về lượng và 35% về giá so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất kể từ khi gia nhập thị trường gạo thế giới hơn 3 thập kỷ trước.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, với mức giá này, gạo Việt tiếp tục thiết lập cột mốc mới khi lần đầu tiên trong lịch sử đạt mức 663 USD/tấn cho gạo 5% tấm, đồng thời bỏ xa gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 105 USD/tấn và Pakistan 95 USD/tấn.

Mặc dù giá tăng nhưng với các doanh nghiệp, đây không hẳn là tin vui. Theo đó, khi giá gạo xuất khẩu càng cao thì việc thu mua và chốt đơn càng khó khăn.

Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Vrice Group chia sẻ, giá gạo hiện quá cao và doanh nghiệp hầu như không bán được hàng. Thậm chí, một số loại gạo ở phân khúc cao cũng tăng theo gạo trắng từ 30 - 40 USD/tấn khiến doanh nghiệp ở thế khó khi thương thảo hợp đồng.

“Giá cao khiến các hợp đồng giao cho tháng 12/2023 và quý I/2024 gần như không ký được bởi khách mua cầm chừng và có khách hàng đã chuyển sang mua của quốc gia khác”, ông Có nói.

Bên cạnh đó, hiện tồn tại một nghịch lý đang diễn ra ở không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo là giá cao nhưng thua lỗ.

Theo tạp chí Kinh doanh, thông tin được một lãnh đạo VFA đưa tại một hội thảo về ngành hàng lúa gạo diễn ra gần đây, đó là tình hình giá gạo Việt Nam tăng nóng đã dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp (nhất là đối với những doanh nghiệp năng lực kinh tế yếu) thua lỗ nhiều. 

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn quen ký hợp đồng với nước ngoài sau đó mới thu mua gạo trong nước để thực hiện hợp đồng. Điều này khiến cho họ phải “lãnh đòn” khi giá thu mua gạo trong nước tăng cao. 

Vấn đề mà các doanh nghiệp này không lường trước là khi thị trường gạo biến động, giá gạo trong nước tăng nhanh hơn giá mà doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu. Cho nên việc rơi vào thua lỗ là khó tránh khỏi, nhất là những doanh nghiệp bán khống (ký hợp đồng khi chưa có chân hàng).

Chưa kể, từng có chuyện mất giá vì cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu gạo cũng làm cho doanh nghiệp thêm khó khăn. Điều này từng được ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An lưu ý.

Đó là do văn hóa thương mại kém của nhiều doanh nghiệp khiến cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam không những không phát huy được lợi thế trời cho đó mà thậm chí còn làm mất đi rất nhiều tiền do cạnh tranh nội bộ không lành mạnh gây nên.

Trên thực tế, việc cạnh tranh không lành mạnh không chỉ diễn ra ở xuất khẩu gạo mà còn có thể nhìn thấy rõ ở hoạt động xuất khẩu sầu riêng trong thời gian qua. Đây cũng là bài học chung cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Nhất là nạn tranh mua, tranh bán sầu riêng, ép mua, ép bán, loạn giá, bẻ cọc sầu riêng, gian lận thương mại, không tuân thủ thỏa thuận hợp đồng, chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu…

Tình trạng này không chỉ tạo ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường xuất khẩu mà còn làm cho bản thân các doanh nghiệp này khó có thể thu được lợi nhuận lâu dài.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật