Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghịch lý cán bộ "ngã ngựa" được chuyển sang... “vị trí tốt hơn"

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Một chuyên gia từng bình luận: "Ở Việt Nam, sướng nhất có lẽ là làm chủ doanh nghiệp Nhà nước..."

(ĐSPL) - Một chuyên gia từng bình luận: "Ở Việt Nam, sướng nhất có lẽ là làm chủ doanh nghiệp Nhà nước. Được tạo điều kiện đến tận răng, làm ăn lãi thì bổng lộc nhiều, thăng quan tiến chức như diều gặp gió, còn lỗ thì đã có Nhà nước… chịu. Thậm chí khi doanh nghiệp không may thất bát, ngấp nghé bờ vực phá sản thì "ông chủ" vẫn có thể "hạ cánh an toàn", có khi thăng tiến lên vị trí cao hơn?!".

Đã có không ít những minh chứng "kinh điển" về hiện tượng cán bộ sai phạm vẫn thăng tiến ầm ầm?! Phải chăng, đó chính là những nghịch lý đã không ít xảy ra trong công tác cán bộ hiện nay mà có chuyên gia đã gọi là "hội chứng sai phạm để thăng tiến".

Vụ bổ nhiệm "kinh điển", điều Dương Chí Dũng giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ GTVT).

Doanh nghiệp bê bết, "sếp lớn" vẫn thăng chức?

Một trong những vụ bổ nhiệm được đánh giá là "kinh điển", thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước có lẽ là vụ bổ nhiệm Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vào vị trí Cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải). Hiện, Dương Chí Dũng đã bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhớ lại thời điểm ông này được bổ nhiệm vào vị trí Cục trưởng nhiều người vẫn không khỏi sửng sốt.

Thời điểm đó, ai cũng biết, Vinalines làm ăn thua lỗ, nợ nần đầm đìa. Thế nhưng, ông này lại được bổ nhiệm vào vị trí cao hơn trong bộ máy Nhà nước. Sau khi bổ nhiệm ít lâu, thanh tra có kết luận về những sai phạm tại Tổng công ty này, Dương Chí Dũng lập tức bỏ trốn. Ông này bị phát lệnh truy nã gắt gao và trở thành tâm điểm của dư luận cũng như khơi mào cho những bức xúc về vấn đề bổ nhiệm cán bộ. Trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phải thừa nhận: "Tôi đã nóng vội khi bổ nhiệm Dương Chí Dũng". Người đứng đầu ngành giao thông nhìn nhận, công tác kiểm tra, giám sát cán bộ hàng năm trước đây làm chưa tốt bởi nếu làm tốt thì đã có thể phát hiện ra ông Dũng vi phạm khuyết điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, những sai phạm của Dương Chí Dũng và số tiền thất thoát khổng lồ ở Vinalines đâu phải chỉ mới diễn ra trong ngày một ngày hai. Thậm chí, ông Dũng được bổ nhiệm trong khi Vinalines đang bị thanh tra?! Dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ về khâu bổ nhiệm này. Bởi thế nhiều người mới than thở rằng chuyện "voi chui lọt lỗ kim" tưởng không thể mà vẫn diễn ra. Trong vụ việc này độ nghiêm trọng càng lớn hơn, khi "con voi" không những "chui lọt lỗ kim" mà còn... "thăng hoa" hơn. Từ đó, những nghi vấn về "chạy chức, chạy quyền", về hiệu quả của công tác thanh kiểm tra đã được đặt ra (?!).

Một minh chứng khác mà chúng tôi không tiện nêu tên là trường hợp của vị Chủ tịch HĐQT một tổng công ty Nhà nước, mới nghỉ hưu năm 2011. Cả chục năm trời giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, dưới trướng có đến vài chục công ty con, nhưng chỉ tới khi nghỉ hưu, bàn giao chức vụ cho người mới, khi đó người ta mới tá hoả con số nợ nần tới vài ba nghìn tỷ đồng. Hóa ra, lâu nay sự hào nhoáng chỉ là vỏ bọc bề ngoài, còn thực tế tổng công ty làm ăn bê bết. Ấy thế nhưng ông ấy vẫn... "hạ cánh an toàn"?! Còn không ít những ví dụ điển hình khác tại các doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn mà PV không tiện nêu tên ở đây.

Thế sao gọi là kỷ luật?

Đó là nhận định của một chuyên gia khi nói về việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay. Có không ít vị, sau khi bị kỷ luật, lại được điều chuyển sang những vị trí khác "thuận lợi" hơn? Sự việc của một số thanh tra giao thông (TTGT) Hải Phòng là một minh chứng. Theo tin mới nhất, Công an TP.Hải Phòng đã bắt tạm giam một loạt các cán bộ TTGT vì "phù phép" biên lai thu tiền xe vi phạm. Đáng chú ý là trường hợp của ông Bùi Mạnh Tuấn (SN 1970, nguyên Đội trưởng đội Xử lý tổng hợp, Văn phòng sở GTVT Hải Phòng).

Vụ việc bắt đầu được xới lên từ năm 2013 khi nhiều tài xế thường xuyên đi lại trên các tuyến đường Hải Phòng phản ánh hành vi xử phạt vô tội vạ, không theo nguyên tắc nào của một số cán bộ TTGT. Sau khi báo chí phản ánh, phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP.Hải Phòng) đã nhập cuộc điều tra. Kết quả xác minh cho thấy, trong 70 quyển biên bản xử phạt do Đội TTGT số 5 (do Bùi Mạnh Tuấn làm đội trưởng) lập từ năm 2011 - 2012, có khoảng 730 biên bản bị sửa chữa, ghi sai trọng tải thiết kế với mục đích thu tiền của người vi phạm, gây thất thoát ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng.

Đến ngày 1/11/2013, PC46 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với 3 cấp dưới của Bùi Minh Tuấn, nguyên là các Đội phó TTGT số 5 về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Thế nhưng, một điều trái khoáy, sau khi cấp dưới bị khởi tố, bắt giam, ông Tuấn lại được thuyên chuyển từ Đội trưởng đội 5 sang làm Đội trưởng đội Xử lý tổng hợp (Văn phòng Sở GTVT Hải Phòng). Và ông này "tại vị" cho đến ngày bị bắt giữ (24/2/2014).

Cách đây 2 năm, dư luận Thủ đô xôn xao trước việc một cấp dưới thi hộ (lớp tại chức chuyên viên chính) Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Khi sự việc bị vỡ lở, người thi hộ sếp đã bị khiển trách về mặt Đảng và kiểm điểm về mặt chính quyền. Tuy nhiên, sau đó, cán bộ này đã được điều động giữ chức Phó phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Sở TN&MT).

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở TN&MT (người được cấp dưới tự ý thi hộ) được điều tham gia ban chấp hành, ban thường vụ, giữ chức Phó Bí thư Quận ủy Long Biên. Tưởng mọi chuyện sẽ dừng lại ở đó thì một kịch bản kịch tính hơn đã diễn ra. Đến tháng 9/2013, ông này được điều trở lại Sở TN&MT làm việc và giữ vị trí... Giám đốc.

Thời điểm đó, báo Đời sống và Pháp luật cũng đăng tải bài viết phản ánh những bất thường trong việc điều chuyển này. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, nếu đang chịu mức kỷ luật thì không ai được đề bạt, cất nhắc. Phương châm kỷ luật cũng là để giáo dục và cảnh báo cho nên nó không phải là vĩnh viễn cả đời mà có giá trị trong một năm. Sau khi hết "án" kỷ luật, cán bộ đó mới có thể được đề bạt và thăng chức như những người khác. Tuy nhiên, ông Phúc cũng khẳng định: "Về nguyên tắc, nếu đang bị kỷ luật hoặc chuyện kỷ luật đang có vấn đề thì cán bộ đó sẽ không được đề bạt".

Khó thẳng tay vì cá nhân "bênh" nhau, hệ thống “bảo trợ công chức suốt đời”!?

Đó là nhận định của một chuyên gia đang công tác tại Học viện Hành chính Quốc gia khi bàn luận về những dấu hiệu bất thường trong công tác bổ nhiệm cán bộ hiện nay. Theo vị này, hệ thống nhân sự của chúng ta là hệ thống chức nghiệp, "vào", "ra", khen thưởng, kỷ luật đều rất khó. Hệ thống này "bảo trợ" công chức làm việc suốt đời, các đoàn thể, cá nhân "che chở" cho nhau. Chính vì thế rất khó để kỷ luật "thẳng tay" đối với một cá nhân cụ thể.

Từ những dẫn chứng mà PV báo Đời sống và Pháp luật đã nêu không khó để thấy rằng, có không ít cán bộ có "dính phốt", có "lùm xùm"... vẫn không hề hấn gì, vẫn được bổ nhiệm, thậm chí thăng chức ầm ầm?!

Đánh giá về hiện tượng này, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, công tác bổ nhiệm cán bộ hiện nay vẫn chưa rõ ràng. Từ đó dẫn đến hiện tượng các cán bộ dù đúng dù sai vẫn có thể thăng chức. Có những vị chỉ lên hoặc đi ngang, còn chưa có cơ chế xuống. Chính vì vậy mới dẫn đến hiện tượng ông làm ăn lỗ nhưng vẫn được lên chức...

Cũng theo TS. Nguyễn Minh Phong, cơ chế trách nhiệm liên quan cũng chưa có, vì thế việc bổ nhiệm người năng lực kém lên làm lãnh đạo cũng không ai chịu trách nhiệm? "Điều này khiến cho người ta có quyền bổ nhiệm bất cứ ai, miễn là có lợi cho mình. Còn sau đó làm ăn thế nào, không quan tâm", ông Phong khẳng định.

Trong khi đó, TS. Ngô Thành Can, Phó trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, một số chính sách về khen thưởng đang bộc lộ không ít vấn đề. TS. Can dẫn chứng về trường hợp xảy ra trên thực tế, nếu một cá nhân trong đơn vị bị kỷ luật thì cả tổ chức mất khen thưởng. Chính vì thế nảy sinh tâm lý "không nỡ". "Tôi nghĩ kiểu xếp loại con người (người kém một chút được vớt lên trung bình, người khá lui xuống một chút để được trung bình...) là chưa công bằng. Khen thưởng kỷ luật của ta không có quy định cụ thể", ông Can nhấn mạnh.

Lý giải cho hiện tượng một số "ông lớn" doanh nghiệp làm ăn thua lỗ lại được điều sang làm "quan chức", một chuyên gia kinh tế từng công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (không tiện nêu tên) thẳng thắn nhìn nhận, nguyên tắc "lời ăn, lỗ chịu" và "được ăn cả, ngã về không" dường như không còn có hiệu lực với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước. Thay vào đó, quan niệm "lời doanh nghiệp ăn, lỗ dân chịu" hình như đang ngày càng rõ nét hơn ở mô hình kinh tế này. "Theo tôi, quy định về việc các doanh nghiệp Nhà nước bị thua lỗ thì giám đốc, tổng giám đốc bị miễn nhiệm, những người khác cũng bị giải trình, truy xét trách nhiệm sẽ giúp khắc phục tình trạng quá lỏng lẻo về kỷ luật, kỷ cương như hiện nay", ông này nói.

Chuyên gia này cũng khẳng định, một cán bộ đang chịu mức kỷ luật thì không ai được đề bạt, cất nhắc. Còn những trường hợp đang bị kỷ luật, có sai phạm mà thuyên chuyển công tác bổ nhiệm vị trí cao hơn đó là điều không thể chấp nhận. Theo lời vị này, ta có thể đặt ra vấn đề, họ đã được cấp trên bao che, hoặc cố tình chạy chọt để thăng tiến lên vị trí khác nhằm chối bỏ trách nhiệm. Công tác tổ chức cán bộ còn nương nhẹ với sai phạm, che chắn, dung túng thì những sai phạm vẫn cứ nối tiếp nhau, người dân vẫn còn bức xúc.

Anh Văn - Lương Liễu

Mời độc giả xem thêm clip Công bố nguyên nhân sập cầu treo ở Lai Châu:

Tin nổi bật