(ĐSPL) - Luật sư Kiên cho biết, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác mà vẫn có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì người đó vẫn chịu trách nhiệm hình sự như bình thường.
Liên quan tới vụ thảm án khiến 4 người trong một dòng tộc tử vong vào sáng 1/12, thông tin từ cơ quan điêu tra, nghi phạm gây ra vụ việc là Phù Minh Tuấn (32 Tuổi, thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang).
Hiện trường vụ án mạng. |
Đối tượng này được xác định là người mắc bệnh tâm thần, được đưa đi chữa trị tại bệnh viện tâm thần trung ương và mới được đưa về địa phương từ đầu tháng 7.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư để tìm hiểu sự việc dưới góc độ pháp lý.
Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý cho hay: “Đây là vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần điều tra để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, từ đó xử lý kẻ thủ ác đúng người, đúng tội.”
Trước thông tin nghi phạm Phù Minh Tuấn là người mắc bệnh tâm thần, Luật sư Kiên cho biết, điều 13 có quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau:
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý |
Luật sư Kiên phân tích, từ điều luật trên ta có thể thấy:
Trường hợp 1: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất hoàn toàn khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện.
Trường hợp 2: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì vấn đề TNHS vẫn được đặt ra. Tuy nhiên, trường hợp này được coi là trường hợp có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 46 BLHS 1999.
Trường hợp 3: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác mà vẫn có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì người đó vẫn chịu TNHS bình thường đối với hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện.
Do đó, người bị mắc bệnh tâm thần vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện khi họ rơi vào trường hợp 2 và trường hợp 3 như đã phân tích ở trên.
Luật sư Kiên cho rằng, cơ quan chức năng cần xác định trong lúc nghi can Tuấn thực hiện hành vi, người này có mất năng lực trách nhiệm hình sự hay không?
Trước đó, theo thông tin ban đầu, vào hồi 4h20 ngày 1/12, ông Tuấn cầm dao sang nhà ông Phù Láo T. (59 tuổi) chém chết ông T. và cháu Phù Ánh T. (2 tuổi) đang ngủ trong nhà. Tiếp đó ông Tuấn chém bà Tải Lở M. (51 tuổi) và anh Phù Láo S. (26 tuổi) làm bà M. chết tại chỗ còn anh S. bị thương nặng.
Anh Phù Văn T. (23 tuổi) là dân quân thôn đến hiện trường để ngăn cản cũng bị ông Tuấn cầm dao chém chết tại chỗ.
Hiện anh S. đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.