Mẹ con chị Quý với những tấm giấy khen ghi nhận thành tích học tập xuất sắc của Luyện. |
Tận cùng khô cực...
Hẹn nhau mấy lần, tôi với Chủ tịch UBND thị trấn Chờ Nguyễn Huy Hòa mới có dịp tới thăm em Nguyễn Thị Luyện, tân sinh viên đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tại gia đình. Trước khi đi ông Hòa nói với tôi: "Gia đình cháu Luyện thuộc diện hộ nghèo ở địa phương, có hoàn cảnh rất đặc biệt. Vì điều kiện kinh tế của địa phương cũng khó khăn nên mặc dù chúng tôi đã vận động các tổ chức đoàn thể và những người hảo tâm giúp đỡ mẹ con họ nhưng cũng chẳng được bao nhiêu...".
Trong căn nhà tềnh toàng, rộng chỉ hơn hai chục mét vuông, chị Nghiêm Thị Quý, mẹ cháu Luyện với dáng người gầy gò, nhỏ thó, khuôn mặt hằn sâu những vết nhăn khắc khổ, không giấu nổi xúc động kể cho chúng tôi về gia cảnh cùng cô con gái tật nguyền thương yêu nhất của mình...
Năm 20 tuổi, chị Quý xây dựng gia đình rồi sinh hai con gái Nguyễn Thị Luyện (1995) và Nguyễn Thị Quyết (1997). Gọi là về nhà chồng nhưng chị đâu có nhà, suốt những năm chung sống vợ chồng chị đều phải đi ở nhờ, nay đây mai đó. Cuộc sống vô gia cư của gia đình chị tưởng như đã tận cùng nỗi khổ thì chị lại phải gánh chịu cảnh đau lòng hơn khi tình cảm vợ chồng tan vỡ. Một mình chị phải dắt díu hai đứa con, đứa 11, đứa lên 9 đến xin ở nhờ một căn nhà kho xập xệ của hợp tác xã rồi đi làm thuê, làm mướn lấy tiền nuôi con ăn học.
Những tưởng cuộc sống nghèo khổ của ba mẹ con dần sẽ qua đi nhưng ai ngờ nỗi thống khổ của người phụ nữ này bị nhân lên gấp bội. Cách đây hai năm, ngày 1/8/2012, cháu Luyện khi đó đang học lớp 11, trong một buổi đến trường chẳng may gặp tai nạn giao thông, bị chiếc xe ô tô nặng hàng chục tấn đè nát đôi chân.
Nhìn đứa con bé bỏng nằm bất động, khắp cơ thể bầm tím và bê bết máu, đôi chân giập nát, chị vô cùng hoảng loạn, chỉ cầu trời khấn Phật cho con được sống. Ơn trời, sau gần hai tháng chạy đôn chạy đáo khắp nơi lấy tiền điều trị cho con, cháu Luyện đã từ cõi chết trở về. Tuy nhiên, chân phải của Luyện đã bị cắt cụt đến giữa đùi, chân trái cũng phải cưa đến gần đầu gối. Tỷ lệ thương tật 81\% vĩnh viễn. Chị Quý bảo: "Mỗi lần nghĩ đến đứa con tật nguyền thì tim tôi như thắt lại. Thế là tôi lại phải cố mà sống để lo cho các con...".
Không thể kể hết những đau đớn, nhọc nhằn của người phụ nữ bất hạnh tuổi 40 này. Một đứa con tàn tật nằm đấy, một đứa đang học lớp 10, tiền ăn, tiền học, tiền thuốc thang cho cháu chỉ trông vào đồng tiền ít ỏi đi làm thuê, làm mướn cùng sự cưu mang giúp đỡ của mọi người. Bất cứ việc gì, từ phụ hồ, đánh giấy ráp đồ gỗ, rồi bắt cua, bắt ốc... chị Quý đều làm hết để dành dụm từng đồng mua gạo, mua thuốc cho con.
Một người hàng xóm của chị Quý nói với chúng tôi: "Hoàn cảnh của mẹ con cô ấy khó khăn lắm. Các con thì một đứa tàn tật, một đứa còn thơ dại. Đã thế, cô ấy lại luôn đau yếu, việc làm hôm có hôm không, nên cuộc sống hết sức khó khăn. Chính quyền địa phương và bà con họ hàng, làng xóm cũng sẵn lòng ủng hộ, nhưng cũng chẳng được là bao".
Vì hoàn cảnh quá khó khăn, có lúc chị Quý đã có ý định cho các con nghỉ học, nhưng lương tâm bị giày vò day dứt, chị chẳng đành lòng. Chị nghĩ, các con đã khổ từ bé nhưng lại rất siêng năng học tập. Nhiều hôm mẹ chưa kịp mua gạo mang về, hai đứa đành phải nhịn đói đến trường... Hơn thế, suốt các năm học, các cháu đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, được nhà trường khen thưởng. Cứ nghĩ đến sự nỗ lực và tương lai của các con, chị lại động viên mình phải cố. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mỗi buổi sớm trước khi đi làm, chị lại bế con ra xe lăn, vượt quãng đường hơn cây số đưa con đến lớp.
Chị kể: "Nhiều hôm đi làm về mệt, khi đến trường đón con thì người lả đi, tôi tưởng không đứng vững. Nhưng khi nhìn thấy nét mặt rạng ngời của con, tôi như được tiếp thêm sức lực, bao nhiêu lo lắng nhọc nhằn đều tan biến. Bây giờ cuộc sống của mẹ con tôi vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đã nhen nhóm niềm vui. Cháu Luyện đã vào đại học, cháu Quyết cũng đã học lớp 12...
Được chính quyền địa phương cấp cho vài chục mét vuông đất, tôi đành phải bán đi một nửa, rồi vay mượn thêm để dựng lên mái nhà đơn sơ này để mẹ con có nơi che mưa, che nắng. Thương mẹ con tôi, người bác họ còn cho một chiếc xe máy cũ. Chiếc xe chỉ đáng giá hơn 1 triệu đồng, nhưng nó là tài sản có giá trị nhất của cả nhà, giúp mẹ con tôi đến trường mà không phải đi bằng xe lăn nữa".
Nhớ lại hôm cháu Luyện có giấy báo trúng tuyển đại học, chị Quý mừng lắm vì mọi cố gắng của mẹ, của con đã được đền đáp. Nhưng chị lại lo đến mất ăn, mất ngủ. Không cho con theo học thì thương, còn cho con đi đại học, những 4 năm xa nhà, ai là người lo cho Luyện đi lại, sinh hoạt hàng ngày, rồi còn tiền ăn, tiền trọ, tiền mua sắm sách vở? Đứa em của Luyện năm nay cũng lên lớp 12 rồi, lại sắp thi đại học... khiến chị Quý như có lửa đốt trong lòng.
Tình thương yêu vô bờ bến của người mẹ với các con đã giúp chị vượt qua tất cả. "Quyết định cho các cháu theo học thì chắc chắn tôi sẽ phải cố gắng, chịu đựng gian nan vất vả gấp nhiều lần. Tôi sẽ gác lại mọi công việc để ra phục vụ cho Luyện học ở Hà Nội, chứ thân gái tật nguyền...", chị Quý trải lòng.
Nghị lực của nữ sinh tật nguyền vượt khó
Cô sinh viên đại học Nguyễn Thị Luyện ngồi cùng chúng tôi trên chiếc chiếu trải giữa nhà nghe mọi người nói chuyện. Luyện tâm sự: "Ngay từ lúc còn khỏe, cháu đã xác định, nhà mình nghèo thì cố gắng học hết lớp 12 rồi tìm việc làm để kiếm tiền giúp mẹ. Nhưng với hoàn cảnh của cháu như hiện nay, chỉ mong học xong đại học để có kiến thức, sau này mới có thể tìm một công việc phù hợp, tự mình nuôi sống bản thân. Cháu không muốn trở thành gánh nặng cho mẹ".
Luyện luôn nghĩ, chỉ có con đường học tập mới mở ra lối thoát cho bản thân và gia đình. |
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, lại thiếu sự đùm bọc, thương yêu của bố, không nhà cửa, cùng mẹ và em lang thang tá túc hết nơi này đến nơi khác, nhưng Nguyễn Thị Luyện luôn là đứa con hiếu thảo, chăm ngoan và học giỏi. Những năm tháng sống trong gian khổ đã tôi rèn nên ý chí, nghị lực của cô học sinh nghèo tàn tật, thắp sáng trong em ngọn lửa nhiệt huyết, cùng trái tim luôn khát khao hoài bão, vượt qua những đớn đau về tâm hồn và thể xác để hướng về một tương lai tươi sáng.
Tai nạn mất đôi chân phải nghỉ học một năm, vết thương luôn đau nhức nhưng Luyện vẫn cắn răng chịu đựng, quyết tâm theo đuổi con đường học tập đến cùng. Luyện kể: "Nhiều hôm vết thương sưng tấy, rỉ máu và đau buốt tưởng như không chịu nổi, nhưng cháu nghĩ, nếu không học, cuộc đời mình sẽ trở thành tàn phế. Chỉ có con đường học tập mới mở ra lối thoát cho bản thân, mới bớt khổ cho mẹ, cho bản thân mình".
Bằng quyết tâm và nỗ lực của mình, ngay trong năm học lớp 12 sau khi bị tai nạn, Luyện đã có thành tích học tập xuất sắc, trở thành thành viên của đội tuyển trường THPT Yên Phong tham dự kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt, trong đợt tuyển sinh đại học vừa qua, Nguyễn Thị Luyện đã chính thức trở thành sinh viên khoa Tâm lý học, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn...
Cần lắm những tấm lòng 4 năm học đại học đối với một cô gái tật nguyền mất cả hai chân, gia đình lại nghèo túng, neo đơn như hoàn cảnh của Nguyễn Thị Luyện là cả một chặng đường dài gian nan vất vả. Hành trình để Luyện tiếp cận kiến thức, làm hành trang cho mình đi suốt chặng đường đời sẽ còn lắm gập ghềnh, trắc trở. Em cần lắm những tấm lòng cảm thông, cưu mang giúp đỡ của mọi người. Chúng ta cùng chia sẻ và chúc cô gái giàu nghị lực Nguyễn Thị Luyện sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách, thực hiện thành công hoài bão và ước mơ cháy bỏng của mình. |