Sở hữu khối lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị nghệ thuật cao, nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương là một hiện tượng đặc biệt trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam, một nghệ sĩ toàn tâm toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Tổ quốc, của Nhân dân.
Hội thảo khoa học về Nhạc sĩ, Nhà viết kịch Trương Minh Phương đã thu hút nhiều nghệ sĩ tên tuổi đến tham dự và ghi nhận những đóng góp của ông với nền nghệ thuật nước nhà. |
Đó là nhận định của Giáo sư Hoàng Chương - Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, về những cống hiến của Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương tại Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của ông (1931-2016) vừa diễn ra sáng nay (24/12).
Tuyển tập tác phẩm đồ sộ mang tên “Rừng hát” của ông được công bố năm 2015 với gần 1.400 trang in khổ 19/27cm, giới nghệ sĩ Việt Nam mới ngỡ ngàng trước kết quả lao động sáng tạo, cống hiến to lớn đến bất ngờ của ông: 128 ca khúc, gần 20 ca cảnh, kịch múa hát nhạc mới, 60 tác phẩm từ kịch ngắn, kịch dài, dân ca kịch tới tiểu phẩm sân khấu và 6 công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian.
“Đó thực sự là một khối di sản nghệ thuật lớn, hiếm có mà một nghệ sĩ, một người hoạt động nghệ thuật có thể để lại cho đời không chỉ ở số lượng mà cả ở sự đa dạng của hiện thực cuộc sống được phản ánh, sự phong phú về đề tài, sự vững vàng về bút pháp, sự dồi dào của cảm xúc và chiêu sâu nhân văn của tác phẩm”, Giáo sư Hoàng Chương - Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc nhận định.
Kịch của Trương Minh Phương là sáng tạo về nhiều đề tài, nhiều không gian, thời gian khác nhau với nhiều hình tượng phong phú, đa dạng, từ Bí thư, chủ tịch, giám đốc, thủ trưởng đến bộ đội, công an, chiến sĩ biên phòng, người thành phố, người dân tộc thiểu số...
Nhưng hình tượng cốt lõi, tâm đắc nhất của tác giả vẫn là người lính Trường Sơn năm xưa, là lớp thanh niên trẻ tuổi với chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đề cao cái lớn, cái chung, cái tập thể. Do đó, nhân vật trong tác phẩm của Trương Minh Phương phần lớn là nhân vật tích cực, tiên tiến, biết hi sinh cá nhân cho tập thể và luôn luôn biết vươn lên để tự hoàn thiện nhân cách của mình.
Thay mặt Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nhà thơ, nhà viết kịch Thế Lữ trao giải thưởng chính thức cho tác phẩm "Mưa rừng" của tác giả Minh Phương (ảnh tư liệu) |
“Có thể nói, những tác phẩm kịch bản của Trương Minh Phương có đề tài đa dạng, nhiều chiều và cập nhật rất nhanh hơi thở của cuộc sống. Trong đó, những kịch bản có nội dung, đề tài, nhân vật về lực lượng Vũ trang chiếm một vị trí đặc biệt (…) Ông luôn đau đáu với đời, đấu tranh với cái xấu, cái ác; xót xa vì những số phận bất hạnh, hết lòng vun xới để cái tốt, cái thiện và cái đẹp được khoe sắc, toả hương”, nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết.
Phần lớn các kịch bản của ông đã được dàn dựng trên sóng phát thanh truyền hình, trên sân khấu của các đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp, không chuyên, các nhà văn hoá ở nhiều tỉnh thành, địa phương trên cả nước.
Theo Thạc sĩ Văn hoá Trần Anh Tuấn (Văn phòng Bộ TT&TT), một mảng đề tài mà Nhạc sĩ Minh Phương sáng tác nhiều đó là viết về đồng bào dân tộc thiểu số. “Ông đã cùng ăn, cùng ở với đồng bào ở các bản làng xa xôi hẻo lánh nên có nhiều tác phẩm nghệ thuật về đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phải kể đến những sáng tác như: “Đêm rừng già”, Người Cơ Ho xuống núi”, “Nghe đàn đá Khánh Sơn”.
Dù có một khối tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật và vô cùng đồ sộ nhưng suốt đời mình, Nghệ sĩ Trương Minh Phương khước từ sự nổi tiếng bằng truyền thông, bằng tung hô ồn ào. Ông cứ thế trong trẻo ùa ra cảm xúc của mình trên các nẻo đường Tổ quốc, chọn con đường đến với giới cần lao đang cần tiếng hát như sự sống không thể thiếu ánh mặt trời.
Tại Hội thảo, các đại biểu, diễn giả đều thống nhất Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương cần được tôn vinh xứng đáng hơn bởi những gì mà ông đã cống hiến trên lĩnh vực nghệ thuật. Nhân dịp Hội thảo này, Hội đồng Giải thưởng Đào Tấn đã chính thức thống nhất truy tặng Giải thưởng mang tên danh nhân văn hoá kiệt xuất của dân tộc cho nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương. Đồng thời, GS. Hoàng Chương cũng đề xuất Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam xem xét truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho ông.
Hội thảo do Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học phối hợp tổ chức nhằm tôn vinh nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương và những đóng góp lớn lao của ông cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nhạc sỹ, nhà viết kịch Trương Minh Phương (1931 - 2011), quê tại Phù Mỹ, Bình Định. Ông là nhạc sỹ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian. Với những cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, ông đã được Đảng, Nhà nước, các ban ngành đoàn thể trao tặng hơn 30 Huân – Huy chương, nhiều giải thưởng cao quý như Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 3, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huy chương vì sự nghiệp văn hoá, Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp âm nhạc,…
Theo Xuân Lan/ Viettimes