(ĐSPL) - Không gắng gượng, không gồng mình để tự gán cho mình một trách nhiệm nào đó, với Khương Cường, Hát Xẩm chỉ đơn giản là tình yêu là một giá trị tất yếu cần có.
Lội ngược dòng phục sinh những giá trị âm nhạc dân gian, những làn điệu cổ truyền thường được xem như hoạt động bức thiết của những người làm công tác bảo tồn văn hóa, nhưng Nghệ sĩ Khương Cường- một người nghiên cứu, biểu diễn âm nhạc dân gian lại coi Hát Xẩm là một giá trị rất quen thuộc và gần gũi trong cuộc sống thường ngày. Không gắng gượng, không gồng mình để tự gán cho mình một trách nhiệm nào đó, với Khương Cường, Hát Xẩm chỉ đơn giản là tình yêu là một giá trị tất yếu cần có.
Nghệ sĩ Khương Cường biểu diễn Xẩm cho một hoạt động gây quỹ từ thiện. |
Không dễ nhận ra tuổi của anh. Nụ cười hiền và ngây thơ hơn tuổi đã khiến anh mang đến cho mọi người một cảm giác nhẹ nhàng và gần gũi. Chàng trai sinh năm 1982, tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện Hà Nội đã có nhiều năm gắn bó với hát Xẩm từ thời sinh viên cho đến tận bây giờ. Có lẽ những đam mê âm nhạc dân gian có sẵn trong máu anh từ tấm bé, được sinh ra ở vùng nông thôn và thụ hưởng truyền thống yêu nhạc từ gia đình khiến anh có một tình yêu mãnh liệt với những dòng nhạc truyền thống.
Ngay từ khi còn là sinh viên anh đã tham gia các dự án Xẩm, ban đầu là từ một nhóm các nghệ sĩ từ Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam và từ nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng như một số các nghệ nhân khác. Vẫn tự khiêm tốn cho rằng vống liếng về Xẩm của mình còn rất hạn chế nhưng tôi thấy ở anh một niềm say mê không ngơi nghỉ.
Cố nghệ nhân Hà Thị Cầu đang truyền nghề cho Nghệ sĩ Khương Cường ( 2007). |
Hát Xẩm vốn không phải là một loại hình âm nhạc được lòng số đông giới trẻ do những cách biệt về văn hóa thời đại cũng như những quan niệm vốn sai lệch về loại hình nghệ thuật này. Những năm trước đây nhiều người thường cho rằng Xẩm là loại hình âm nhạc không chính thống, nó tồn tại thấp kém vì môi trường diễn xướng của nó là bến chợ ga tàu, và là phương tiện kiếm sống của những người mù lòa. Chàng trai trẻ Khương Cường không ngại hóa thân vào những nhân vật người hát rong để truyền tải đúng tinh thần bài hát cũng như tái hiện một nét văn hóa xưa cũ đã dần mất. Khương Cường cố gắng góp phần chứng minh rằng hát Xẩm là một loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp mà những người khiếm thị thời xưa sử dụng để kiếm kế sinh nhai. Anh cho rằng những giá trị của Xẩm không chỉ nằm trong phạm vi của một loại hình nghệ thuật truyền thống đơn thuần mà nó còn có thể góp phần tạo dựng nét văn hoá và nhân văn trong con người Việt hiện đại.
Đối với một nghệ sĩ trẻ, việc đến với âm nhạc dân gian như một nghề để sống trong thời đại này quả không dễ. Khương Cường chia sẻ anh không coi hát là một nghề mà là một cái nghiệp. Dù có tên tuổi trong giới nghệ sĩ hát nhạc dân gian, đem Xẩm đi biểu diễn nhiều nơi và luôn nuôi hi vọng truyền bá âm nhạc dân gian Việt Nam cho bạn bè quốc tế nhưng anh chưa từng bao giờ nghĩ làm nghệ thuật là một cách nuôi sống mình. Chàng trai trẻ vốn đam mê âm nhạc dân gian đồng thời là giám đốc công ty Musicshow Việt Nam coi kinh doanh như một cái nghề nuôi nghiệp. Anh không khi nào lớn tiếng tự giao cho mình một trọng trách phục sinh loại hình này. Với anh, sự ra đời và suy giảm giá trị của một loại hình nghệ thuật là tính quy luật. Anh đến với Xẩm, được hát những làn điệu Xẩm là một trong những niềm vui. Dù bận bịu nhưng anh luôn giành một khoảng thời gian nhất định cùng các nghệ sĩ Xẩm trong nhóm Xẩm Hà Thành duy trì những hoạt động tập luyện, trình diễn và truyền bá Xẩm đến với những học viên trẻ. Đó luôn là công việc đem lại cho anh nguồn vui và cân bằng lại cuộc sống hằng ngày bằng tình yêu nghệ thuật.
Hình ảnh trong chuyến lưu diễn Mỹ của Khương Cường. |
Khương Cường cùng các nghẹ sĩ nhóm Xẩm Hà Thành trong lễ giỗ tổ nghề Xẩm 2014. |
Không chỉ dừng lại ở việc phát triển và duy trì âm nhạc Xẩm, anh luôn quan tâm đến những dòng nhạc dân gian khác. Anh cho biết, sắp tới mình sẽ cho ra đời dự án “Ầu ơ” với mục đích truyền bá và tìm lại những làn điệu và khơi dậy sức sống cho hát ru Việt Nam, đó là nguồn sữa tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Đây là một dự án mang ý nghĩa nhân văn và giá trị xã hội sâu sắc.