Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghề giáo vừa đào tạo tinh hoa, vừa đào tạo nhân lực xã hội

(DS&PL) -

(ĐSPL) - "Nghề giáo ngày nay vừa đào tạo tinh hoa vừa đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Có thể nói nghề giáo ngày nay tác động đến sự phát triển của toàn xã hội"

(ĐSPL) - "Nghề giáo ngày nay vừa đào tạo tinh hoa vừa đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Có thể nói nghề giáo ngày nay tác động đến sự phát triển của toàn xã hội", PGS.TS Phan Túy, Hiệu trưởng trường CĐ ASEAN nói. 

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phan Túy, Hiệu trưởng trường CĐ ASEAN, người đã có hơn 30 năm đứng trên giảng đường “truyền lửa” cho các thế hệ học trò Việt Nam. Trong cuộc trao đổi, Hiệu trưởng trường CĐ ASEAN đã bộc bạch những niềm vui và cả những nối buồn, áp lực mà chỉ có người trong nghề mới hiểu rõ.

PV: Theo quan điểm của Phó giáo sư, giá trị nghề giáo với xã hội trước đây và hiện tại có thay đổi không? Nếu có thay đổi thì những thay đổi đó là gì?

PGS.TS Phan Túy: Theo tôi, nghề giáo từ trước đến nay luôn là nghề truyền đạt kiến thức. Trước đây, nghề giáo phục vụ chủ yếu cho nhà giàu, giới thượng lưu và đào tạo tinh hoa. Ngày nay, đặc biệt từ giữa thế kỷ 20 đến nay, do yêu cầu của sự phát triển xã hội, nghề giáo phục vụ cho mọi tầng lớp xã hội từ biên giới, hải đảo xa xôi đến giảng đường đại học. Nghề giáo ngày nay vừa đào tạo tinh hoa vừa đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Có thể nói nghề giáo ngày nay tác động đến sự phát triển của toàn xã hội. Một đất nước có nền giáo dục không phát triển, nghề giáo không được coi trọng thì đất nước đó khó phát triển.

Phó giáo sư Phan Túy, Hiệu trưởng trường CĐ ASEAN.

PV: Thầy có thể chia sẻ những khó khăn, áp lực mà các giáo viên đang phải chịu trong hiện tại, nhất là những khó khăn áp lực trong ngành đào tạo y, dược?

Ngày nay nghề giáo ở nhiều cấp học khác nhau đều chịu nhiều áp lực: áp lực về đời sống vật chất, áp lực trong nghề nghiệp... Đất nước phát triển, nhu cầu lao động có tay nghề càng cao, đây là điều đáng mừng đối với nghề dạy học nhưng cũng là áp lực rất lớn mà xã hội đang đòi hỏi với đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên, một thực tế ở nước ta hiện nay, cơ sở vật chất của nhiều cơ sở đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, do điều kiện sống, nhà giáo chưa thể toàn tâm với nghề, nhiều người học muốn học ít, thậm chí không học mà vẫn được tấm bằng tốt nghiệp. Điều này hoàn toàn trái với đạo lý nghề giáo. Đặc biệt đối với ngành Y, Dược, chất lượng đào tạo kém liên quan trực tiếp đến việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng nhưng việc đào tạo ngành Y, Dược được mở rộng tràn lan thiếu kiểm soát. Những điều nêu trên luôn day dứt lương tâm những người làm nghề giáo nhưng chỉ những người làm nghề giáo không thể khắc phục được thực trạng này.

PV: Phó giáo sư có suy nghĩ như thế nào đời sống và mức lương của giáo viên trong thời điểm hiện tại? Mức lương hiện tại có đủ đảm bảo cuộc sống cho các giáo viên?

PGS.TS Phan Túy: Về mức lương hiện nay của giáo viên, tôi chắc mọi người đều biết và Quốc hội, Chính phủ cũng đã biết, không những đối với người làm nghề giáo mà đối với mọi đối tượng làm công ăn lương đều không đủ sống bằng đồng lương của mình.

Rất nhiều giáo viên phải tìm cách làm thêm, không toàn tâm, toàn ý cho nghề giáo. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo, thậm chí sinh ra những hành vi trái đạo lý của người làm nghề giáo. Người làm nghề giáo phải là người có tâm, có kiến thức, trung thực và có phong thái đường hoàng. Tôi không đổ lỗi cho điều kiện khách quan nhưng mức sống hiện nay của người làm nghề giáo ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả đào tạo.

PV: Những mong mỏi của thầy về những thay đổi về chính sách giáo dục trong hiện tại và tương lai? Những thay đổi về chính sách nâng cao đời sống cho giáo viên đủ điều kiện để theo đuổi sự nghiệp trồng người?

PGS.TS Phan Túy: Tôi rất mong và hy vọng trong tương lai gần, nền giáo dục Việt Nam phát triển về quy mô và chất lượng ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới. Giáo dục và đào tạo có phát triển thì đất nước mới đi lên, bắt kịp nhịp độ phát triển với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này cần có sự đầu tư đúng mức cho ngành giáo dục nước nhà. Trong đó, đặc biệt nên đầu tư xây dựng đội ngũ những người làm nghề giáo có chất lượng cao, kiến thức luôn được cập nhật. Đồng thời, những người làm nghề giáo phải được chọn lựa và có đồng lương đủ sống để họ toàn tâm, toàn ý với nghề.

Xin cảm ơn thầy!

Điều 4, Luật Giáo dục năm 2005 quy định: “Hệ thống giáo dục quốc dân như sau:

1. Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

2. Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

a) Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo;

b) Giáo dục phổ thông có tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông;

c) Giáo dục nghề nghiệp có trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề;

d) Giáo dục đại học và sau đại học (sau đây gọi chung là giáo dục đại học) đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.”

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

Hà Cường

Video đang được xem nhiều nhất:

[mecloud]ynep4tElYt[/mecloud]

Tin nổi bật