Khu vực phát hiện các bao tải chứa lợn chết là cống nước lớn từ núi Nguộc đổ thẳng ra sông Lam, việc này không những gây ô nhiễm mà nghiêm trọng hơn là dịch tả lợn châu Phi sẽ càng lây lan rộng.
Theo tin từ VOV, sáng 23/10, người dân vùng Rú Nguộc, địa phận xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An phát hiện hàng chục bao tải chứa đầy xác lợn bị vứt xuống cống gần khu vực sông Lam.
Người dân địa phương cho hay, đây không phải lần đầu xác lợn bị vứt ra cống. Trong hơn 1 tháng qua, một số người dân tự ý đem các bao tải lợn chết đổ xuống mương thoát nước cạnh bến đò và vứt một số bì tải lợn chết ngay bên lề đường lên xuống của bến đò này gây ô nhiễm môi trường.
Khu vực người dân vứt lợn chết là cống nước lớn từ núi Nguộc đổ thẳng ra sông Lam. Việc làm này sẽ khiến nước sông Lam đoạn qua đây bị ô nhiễm, nghiêm trọng hơn là dịch tả lợn châu Phi sẽ càng lây lan rộng hơn.
Không riêng gì khu vực Rú Nguộc, nhiều vùng khác tại huyện Thanh Chương, Nghệ An cũng đang xảy ra tình trạng người dân vứt lợn chết bừa bãi.
Phát hiện nhiều bao tải chứa đầy xác lợn vứt bỏ gần sông Lam. Ảnh: VOV |
Được biết, trước đó, tỉnh Hậu Giang cũng báo động nạn vứt xác lợn chết xuống lòng sông.
Trước thực trạng này, ngành Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện tập trung chỉ đạo các xã tuyên truyền để người dân hạn chế vứt xác lợn chết xuống sông, đồng thời thành lập tổ xung kích thực hiện vớt xác lợn chết, tránh ô nhiễm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Thú y thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh.
Khi có ổ bệnh xảy ra sẽ dập dịch đúng quy trình, nếu có hiện tượng người dân vứt xác lợn xuống sông sẽ tham gia cùng tổ xung kích vớt xác lợn.
Ngành cũng kiến nghị ngành Tài nguyên và Môi trường tham gia cùng các ngành, địa phương kiểm tra để có hướng xử lý, đảm bảo an toàn môi trường.
Ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang khuyến cáo, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị, Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi nếu bị thiệt hại.
Do đó, khi xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi, người dân phải thông báo với chính quyền địa phương, lực lượng thú y gần nhất để được hỗ trợ dập dịch, tuyệt đối không vứt xác lợn chết ra môi trường.
Vũ Đậu (T/h)