VietNamNet đưa tin, mưa lũ nhiều ngày qua khiến quốc lộ 16 dài hơn 100km nối các xã miền Tây Nghệ An bị lũ quét tan tành. Trên tuyến quốc lộ nối vào xã Nhôn Mai (tỉnh Nghệ An) có hàng chục điểm sạt lở.
Lãnh đạo Tổ công tác Biên phòng Thăm Thẩm chia sẻ, để đi vào xã Nhôn Mai chỉ còn cách băng rừng nhiều cây số do tuyến quốc lộ sạt lở nghiêm trọng.
Trong khi đó, theo ông Mạc Văn Nguyên - Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai, mưa lũ 2 ngày qua khiến địa bàn xã bị cô lập hoàn toàn. Hiện nay, mọi tuyến đường vào xã đều bị đất đá vùi lấp. Lực lượng chức năng chưa tiếp cận được các bản để nắm bắt tình hình và hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả.
"Do mưa lũ, hơn 7.000 dân sinh sống ở 21 bản tại xã Nhôn Mai đang bị cô lập. Hai ngày qua, trên địa bàn đang mất điện, mất nước và không có sóng điện thoại. Tất cả các bản đang bị thiệt hại", ông Mạc Văn Nguyên nói.
Mặt đường hư hại nặng do lũ. Ảnh: Thanh Niên
Có hàng chục điểm sạt lở trên tuyến quốc lộ nối vào xã Nhôn Mai (tỉnh Nghệ An). Ảnh: Thanh Niên
Báo Tiền Phong dẫn lời ông Mạc Văn Nguyên cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại, lương thực dự trữ ở nhà dân vẫn đang còn nhưng thiệt hại về tài sản tương đối lớn.
"Sạt lở xảy ra khắp nơi, ruộng vườn, tài sản của người dân gần như xóa sổ. Ngoài ra, có một cụ già bị đất đá vùi lấp dẫn tới tử vong", ông Mạc Văn Nguyên cho hay.
Cũng theo ông Mạc Văn Nguyên, tính đến nay có 47 nhà bị sập, trôi hoàn toàn và đang tháo dỡ nhiều nhà buộc phải tháo dỡ khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn.
Đất đá tràn xuống mặt đường, con đường bị lũ cắt đứt. Ảnh: Thanh Niên
"Tuyến đường từ xã Tri Lễ (huyện Quế Phong cũ) đấu nối quốc lộ 16 sang xã Nhôn Mai có hàng chục điểm sạt lở. Qua khảo sát, nếu có kinh phí và làm nhanh chóng thì phải mất 1 tháng nữa mới thông được đường. Còn đường đấu nối từ xã Kỳ Sơn sang xã Nhôn Mai có rất nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng.
Hiện tại có 5-7 bản tại xã Nhôn Mai, chúng tôi chưa tiếp cận được và chưa có thông tin về tình hình thiệt hại tại các bản này. Chúng tôi đang cử cán bộ đi bộ vào để cố gắng tiếp cận người dân. Trước mắt, bà con ở xã Nhôn Mai cần thức ăn khô như mì tôm, lương khô. Còn những thứ khác như gạo thì chưa thể mang vào được vì chưa có đường để thông tuyến", ông Mạc Văn Nguyên nói thêm.
Những tảng đá lớn chắn ngang đường vào xã, người dân phải đi bộ để cố gắng tiếp cận các bản. Ảnh: VietNamNet
Do mất sóng liên lạc, để cung cấp thông tin, ông Mạc Văn Nguyên phải trèo lên đồi cao dò tìm vị trí “sóng rớt” (điểm xuất hiện sóng điện thoại không ổn định) để gửi tin nhắn qua điện thoại ra ngoài.