Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ngày Tết, trẻ dễ ngộ độc thực phẩm, cha mẹ cần biết cách phòng tránh

(DS&PL) -

Ngày Tết, trẻ rất dễ bị ngộ độc thực phẩm. Khi trẻ có dấu hiệu khác lạ về đường tiêu hoá, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.

Ngày Tết, trẻ rất dễ bị ngộ độc thực phẩm. Khi trẻ có dấu hiệu khác lạ về đường tiêu hoá, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 cho thấy, hàng năm, cứ đến dịp lễ, Tết, tỉ lệ trẻ em nhập viện điều trị gia tăng mạnh. Đa số trẻ đều có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.

Theo BS.Nguyễn Đình Quy, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, nguyên nhân trẻ ngộ độc thực phẩm tăng đến từ rất nhiều lý do, phần nhiều là do thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, chất lượng.

Trẻ bị ngộ độc thường có cảm giác buồn nôn và nôn ngay, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, phân có thể có máu kèm theo sốt hoặc không.

Cách nhận biết trẻ bị ngộ độc thức ăn

Trẻ bị ngộ độc thức ăn thường biểu hiện rối loạn tiêu hóa sau khi ăn từ một giờ trở đi. Bé nôn ói vài lần hoặc rất dữ dội, liên tục; đau bụng quặn từng cơn sau đó có thể đi tiêu chảy. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói nổi bật hay tiêu chảy nhiều hơn.

Đa số trẻ thường bị nôn ói rất nhiều do tác dụng của độc tố. Nếu không được chăm sóc thích hợp, nôn ói nhiều thường dẫn đến những biến chứng nặng như hít sặc, hạ đường huyết, rối loạn nước và điện giải đặc biệt ở trẻ em nhỏ. Sốt, tiêu đàm, tiêu máu là dấu hiệu nhiễm trùng gây tổn thương ruột. Một số ít trẻ bị ngộ độc thức ăn có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não.

Ảnh minh hoạ.

Những lưu ý khi trẻ bị ngộ độc

Ngay khi trẻ có những dấu hiệu bị ngộ độc thức ăn, phải yêu cầu trẻ ngừng, không ăn món đó nữa.

Hết sức chú ý những lúc trẻ bị nôn và cả khi đang ngủ. Nhiều trẻ ngủ thiếp đi vì quá mệt thì bị nôn vọt, việc nôn trong tư thế nằm như vậy rất nguy hiểm, trẻ có thể bị sặc lên mũi hoặc xuống phổi, gây suy hô hấp. Cha mẹ nhớ, nếu thấy con nôn sặc lên mũi, phải nhanh chóng hút mũi trẻ để thông thoáng đường thở.

Bổ sung oresol cho trẻ tránh nguy cơ mất nước, rối loạn điện giải. Nếu trẻ không được bù nước, điện giải bằng oresol, trẻ sẽ dần mệt lả, mất nước trầm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Chú ý khi cho trẻ uống oresol, phụ huynh phải cho trẻ uống từ từ, từng chút một, không uống quá nhiều cùng một lúc.

Bác sĩ khuyến cáo, nhiều trường hợp thấy con tiêu chảy quá nhiều, lo sợ con mất nước, bố mẹ pha 1 gói oresol 200ml bắt con uống hết trong một lần khiến bé lại nôn vọt ra ngoài, như vậy không có tác dụng cải thiện tình trạng thiếu nước của trẻ.

Ngoài ra, phụ huynh không nên sử dụng nước lọc thay thế oresol bởi nước chỉ giúp trẻ cảm thấy đỡ khát, không có tác dụng bù điện giải.

Cho trẻ ăn cháo loãng thịt nạc nấu với cà rốt hoặc khoai tây, bí đỏ. Đây là những loại rau củ giúp tạo khuôn cho phân, giúp trẻ đi ngoài phân đặc hơn.

Cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy. Trong nhiều trường hợp, uống thuốc cầm tiêu chảy càng khiến vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm lưu lại trong hệ tiêu hóa lâu hơn, khiến trẻ chướng bụng, đầy hơi, đau bụng vô cùng khó chịu.

Đưa trẻ đến trung tâm y tế nếu trẻ có những dấu hiệu bứt rứt, khó chịu, khát, bú háo hức hoặc bú kém, thấy mắt trẻ trũng hơn bình thường, sốt cao khó hạ, nôn ói trên 3 lần hoặc tiêu lỏng trên 3 lần nhiều nước, có máu trong phân...

Cách phòng ngừa ngộ độc thức ăn ngày Tết

Tốt nhất là đảm bảo thức ăn an toàn và hợp vệ sinh. Chọn thức ăn chế biến an toàn, tránh đồ ô nhiễm. Nấu chín và bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Hâm kỹ lại thức ăn trước khi ăn. Tạo thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn, người lớn rửa tay trước khi chế biến thức ăn hoặc cho bé ăn.

Lưu ý, cũng phải đảm bảo những điều kiện vệ sinh này khi cho trẻ đi chơi Tết.

Mỹ An (T/h)

Tin nổi bật