Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đề nghị quy định màu cồn methanol để tránh uống nhầm, ngộ độc rượu

(DS&PL) -

Bộ Y tế đề nghị Bộ Công thương cần có quy định về việc cho chất chỉ thị màu vào dung dịch cồn methanol để người dân dễ phát hiện, hạn chế tình trạng pha cồn methanol...

Bộ Y tế đề nghị Bộ Công thương cần có quy định về việc cho chất chỉ thị màu vào dung dịch cồn methanol để người dân dễ phát hiện, hạn chế tình trạng pha cồn methanol thành rượu, đề phòng ngộ độc, tử vong.

Chiều 31/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trong dịp tết nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018. Tại đây, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công thương cần có quy định về việc cho chất chỉ thị màu vào dung dịch cồn methanol để người dân dễ phát hiện, hạn chế tình trạng pha cồn methanol thành rượu, đề phòng ngộ độc, tử vong.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo kế hoạch, đến năm 2025, nước ta đạt sản lượng 440 triệu lít rượu được sản xuất công nghiệp. Hiện cả nước có hơn 320 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/mỗi năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/mỗi năm; chưa kể các hộ gia đình tự sản xuất rượu, ước tính 250 triệu lít/mỗi năm.

Theo Bộ trưởng Y tế, uống rượu bia quá mức không chỉ là nguyên nhân gây ra các hành vi thiếu chuẩn mực trong xã hội và tai nạn giao thông, mà còn gây ra 60 loại bệnh khác nhau. Thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân tâm thần do rượu chiếm khoảng 6% và đang có xu hướng gia tăng.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) kiến nghị: “Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Công thương, nhằm tránh tình trạng nhầm lẫn trong sử dụng cồn công nghiệp thì cần quy định việc cho chất chỉ thị màu, xanh-mê-thi-len; tức là cồn công nghiệp phải có màu xanh, như vậy khi nhìn vào là phát hiện được ngay và không uống. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Công thương sớm thực hiện được việc này để hạn chế tình trạng ngộ độc do sử dụng cồn”.

Ngộ độc rượu có thể xảy ra đối với hai loại rượu chủ yếu là rượu thực phẩm ethanol và rượu cồn công nghiệp methanol. Tuy số ca ngộ độc do sử dụng rượu thực phẩm ethanol phổ biến hơn nhưng ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol nguy hiểm hơn, để lại nhiều di chứng và có tỉ lệ tử vong cao.

Khi đưa vào cơ thể, rượu cồn công nghiệp chuyển hóa thành các axit gây tổn thương cho các tết bào đặc biệt ở mắt não. Ngộ độc methanol có thể gây hoại tử các tế bào não, tế bào thần kinh thị giác nên gây mù vĩnh viễn. Ngoải ra, ngộ độc rượu cồn công nghiệp còn có thể để lại những di chứng như: tổn thương não, gây sốc tụt huyết áp, suy thận, mất trí nhớ...

Trên thực tế, methanol không được phép có trong cơ thể. Nếu uống đúng rượu gạo nấu truyền thống, hàm lượng methanol có sinh ra trong quá trình nấu rượu nhưng không đáng kể. Những trường hợp nhiễm methanol cao như vậy, nhiều khả năng uống phải rượu pha cồn công nghiệp giả mạo rượu quê. Khi đến ngưỡng 20 mg/dl là đã đe dọa tổn thương thần kinh.

Các bệnh nhân ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol đều rất nặng nề. Trong đó, lo sợ nhất là tình trạng tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não giống những trường hợp đột quỵ nặng nề, thêm tình trạng tổn thương nội tạng.

Bệnh nhân đều được cấp cứu lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng tình trạng nặng khiến bệnh nhân sốc, huyết áp tụt, nhiều trường hợp phải thở máy nhưng phần lớn là bệnh nhân không qua khỏi, gia đình xin về. Có trường hợp qua khỏi nhưng di chứng cao. Hầu hết bệnh nhân không tử vong lại chịu di chứng mù, giảm thị lực, mất trí nhớ…

Tết Mậu Tuất 2018 đang đến gần, đây là thời điểm sản xuất, Kinh doanh rượu đang gia tăng mạnh. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý rượu giả, rượu nhập lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Mỹ An (T/h)

Tin nổi bật