Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11 (Ngày Pháp luật Việt Nam) được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định vị trí thượng tôn của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội. Năm 2024 là năm thứ 12 triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam với nhiều điểm nhấn, nét mới về nội dung, cách làm theo hướng đi vào thực chất, hiệu quả, thiết thực, gắn với nhiệm vụ cụ thể của cơ quan, tổ chức.
Lan tỏa kịp thời thông điệp về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật
Trên cơ sở định hướng, hướng dẫn, chỉ đạo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trung ương và Bộ Tư pháp, nhiều bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương đã tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Có 14 bộ, ngành, đoàn thể trung ương và 63 địa phương ban hành Kế hoạch, văn bản và tập trung chủ yếu trong tháng cao điểm với nhiều hoạt động sôi nổi, quy mô trên diện rộng.
Theo ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cho biết, qua 12 năm triển khai, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các bộ, ngành, cơ quan, địa phương hưởng ứng thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có chiều sâu, điểm nhấn như tổ chức các lễ hưởng ứng; treo băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức diễn đàn, cuộc thi tìm hiểu pháp luật…
Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, làm cơ sở để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các Bộ, ngành, địa phương; đóng góp vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 được Bộ Tư pháp tổ chức không chỉ nhằm truyền thông, lan toả tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật mà còn truyền tải thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật; chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Theo đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương đã tổ chức thành công Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật”, trong đó đã xác định đúng và trúng các điểm nghẽn của thể chế mà doanh nghiệp đang rất quan tâm. Đó là thủ tục trong dự án có sử dụng đất, thuế và hoàn thuế cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp còn tổ chức Tọa đàm “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới” nhằm huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà thực tiễn, nhà quản lý để thảo luận về những chỉ đạo, định hướng đổi mới công tác xây dựng pháp luật của Tổng Bí thư Tô Lâm. Nhiều thông điệp, khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đã chú trọng truyền thông những nội dung cốt lõi, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về Chống lãng phí…
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, xây dựng các chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi, tọa đàm, diễn đàn, nhắn tin về Ngày Pháp luật Việt Nam trên mạng viễn thông, pano cổ động, Tọa đàm “Báo chí và Ngày Pháp luật Việt Nam” được tổ chức nhằm phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong công tác truyền thông chính sách, PBGDPL…
Hưởng ứng Ngày Pháp luật tại các bộ, cơ quan trung ương, địa phương
Tại các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật được chú trọng triển khai thiết thực, gắn với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Trong đó, có một số hoạt động tiêu biểu như ngày 7/11, Bộ Công an đã tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trực tuyến từ hội trường Bộ Công an do Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi lễ.
Bộ Công an tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024. (Ảnh: Bộ Công an)
Ngày 8/11, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng” nhân dịp Ngày Pháp luật Việt Nam; Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 thực hiện Đề án 1371 trong thanh niên Quân đội và tổng kết, trao giải Cuộc thi video clip “Thanh niên Quân đội xung kích thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”;…
Hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đa dạng về hình thức để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Nhiều địa phương tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp; một số địa phương tổ chức Lễ mít tinh, Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, treo băng rôn, panô hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tại trụ sở cơ quan…
Hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật tại huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng. (Ảnh: Bộ Tư pháp)
Có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như: Thành phố Hà Nội đã tổ chức chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật tại các trường học trên địa bàn gắn với các hoạt động cụ thể như tổ chức Phiên tòa giải định, phát động cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật Việt Nam"…; Sở Tư pháp thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Người mù thành phố tổ chức Cuộc thi Tuyên truyền viên pháp luật giỏi cho người khiếm thị trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024.
Tại Hải Phòng, Sở Tư pháp thành phố phối hợp với Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng và UBND huyện Cát Hải tổ chức tuyên truyền chống khai thác IUU cho 190 đại biểu là cán bộ, nhân dân, ngư dân địa bàn huyện Cát Hải cho chủ phương tiện và ngư dân trên tàu cá trên địa bàn huyện Cát Hải đang neo đậu tại bến, phát 5 nghìn tờ gấp tuyên truyền các loại. Tại Cà Mau, Sở Tư pháp tỉnh tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Tại Sơn La, Sở Tư pháp tổ chức trao giải cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến về Luật tiếp cận thông tin và sơ kết thực hiện Đề án 1739 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Quảng Trị, tổ chức Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn. Tại Lào Cai, tổ chức Phiên tòa lưu động và tuyên truyền Luật Phòng, chống ma túy và Luật Phòng cháy, chữa cháy. Tại Ninh Thuận, tổ chức Hội thi tìm hiểu quy định của Đảng, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại TP.Hồ Chí Minh, tổ chức Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024, trong đó tổng kết trao giải Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về Luật Căn cước – Định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến”. Tỉnh Thái Nguyên tổ chức trao giải cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông và phòng, chống ma túy…
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam ngày càng đi vào cuộc sống và trở thành một hoạt động chính trị, pháp lý thường niên, được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đi vào nền nếp; thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, lan tỏa rộng rãi tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Ngày Pháp luật Việt Nam đã trở thành một sự kiện có ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm thi hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, sử dụng pháp luật để bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.