Nhân ngày Pháp luật Việt Nam năm 2018, PV báo ĐS&PL đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh về ý nghĩa, vai trò và đặc biệt là người dân được hưởng lợi gì từ ngày Pháp luật.
Thưa bà, theo bà, hiệu quả lớn nhất của việc triển khai hưởng ứng ngày Pháp luật tại Bộ, ngành, địa phương là gì?
Bà Lê Thị Kim Thanh: Với việc thông qua luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Quốc hội đã quyết định lựa chọn ngày 9/11 hằng năm là ngày Pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Với mục đích, ý nghĩa như vậy, 05 năm qua, ngày Pháp luật đã được các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Hội Luật gia các cấp hưởng ứng sâu, rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
Ngày Pháp luật đã trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng góp phần không chỉ nhằm tôn vinh các giá trị, vai trò đặc biệt của Hiến pháp, pháp luật trong cuộc sống của mỗi con người mà việc thực hiện ngày Pháp luật đã làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bên cạnh đó, ngày Pháp luật cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, đồng bào ta ở nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh. |
Theo bà , người dân được hưởng lợi gì từ ngày Pháp luật?
Bà Lê Thị Kim Thanh: Người dân hưởng lợi cả ở 2 góc độ trực tiếp và gián tiếp. Ở góc độ trực tiếp, thứ nhất, người dân được tiếp cận trực tiếp pháp luật ở nhiều hình thức, phương tiện khác nhau, đảm bảo phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện. Thứ hai, họ được hướng dẫn, giải đáp pháp luật một cách trực tiếp, hầu hết là miễn phí các vấn đề mà họ vướng mắc hoặc xảy ra đối với họ trong cuộc sống hàng này. Thứ ba, một giá trị rất vô hình đó là họ được nhắc nhở hãy tôn trọng và tuân thủ pháp luật sẽ tránh cho họ được những rủi ro, những phiền phức liên quan đến pháp luật mà họ có thể phải gánh chịu trong tương lai.
Ở góc độ gián tiếp, rõ ràng nhất là khi đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao năng lực pháp luật và tuân thủ pháp luật thì những vấn đề của người dân sẽ được giải quyết thỏa đáng nhất.
Thời gian qua, Hội Luật gia các cấp đã triển khai nhiều mô hình phổ biến giáo dục pháp luật. Theo bà, mô hình nào là hiệu quả nhất?
Thực hiện luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là từ khi triển khai Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội luật gia đã quan tâm nghiên cứu, xây dựng thí điểm mô hình xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn của địa phương, nhiều mô hình Trung tâm pháp luật cộng đồng đã được hình thành với các tên gọi khác nhau như: "Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý" (Hà Nội), "Trung tâm pháp luật cộng đồng" (Lai Châu, Lào Cai, Long an...), "Tổ pháp luật cộng đồng", "Tổ trợ giúp pháp lý" hoặc "Trung tâm pháp luật cộng đồng" (Hồ Chí Minh), " Cà phê giao lưu pháp luật" (Ninh Thuận)...
Mặc dù mô hình này ở mỗi địa phương có cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu thu hút mọi nguồn lực xã hội thực hiện hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, hoạt động hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý góp phần đáp ứng như cầu tìm hiểu và nâng cao ý thức pháp luật của người dân, trong đó, nhiều mô hình trung tâm pháp luật cộng đồng của Hội Luật gia địa phương hoạt động có hiệu quả.
Theo bà, cần làm gì để chương trình ngày Pháp luật thực sự hiệu quả?
Bà Lê Thị Kim Thanh: Chúng ta cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền về thực hiện ngày Pháp luật để đảm bảo sự vào cuộc cả hệ thống chính trị; Tăng cường XHH để thu hút sự tham gia của các chủ thể ngoài Nhà nước và người dân có ý thức chủ động tham gia hơn. Ngoài ra, mỗi cấp, mỗi ngành phải lựa chọn được cách làm, nội dung phù hợp, thiết thực, tránh hình thức, làm cho có. Xin trân trọng cảm ơn bà!
Nguyễn Huệ
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 135