Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hội Luật gia VN dự hội thảo “Thực trạng tại Biển Đông – các biện pháp giải quyết tranh chấp khả thi”

(DS&PL) -

Đoàn đại biểu Hội Luật gia Việt Nam đã tham dự hội thảo quốc tế về “Thực trạng tại Biển Đông – các biện pháp giải quyết tranh chấp khả thi” tại thủ đô Moskva, Nga.

Từ ngày 20 đến ngày 22/9/2018, đoàn đại biểu Hội Luật gia Việt Nam do ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội, làm trưởng đoàn đã tham dự hội thảo quốc tế về “Thực trạng tại Biển Đông – các biện pháp giải quyết tranh chấp khả thi” tại thủ đô Moskva, Nga.

Hội thảo được tổ chức bởi Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL) phối hợp với quỹ Con đường Hòa bình (LB Nga).

Đến dự hội thảo có các đại biểu là lãnh đạo, thành viên ban Thường vụ hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) và các luật gia, chuyên gia đến từ các nước Bỉ, Nga, Ý, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam…

Hội thảo quốc tế “Thực trạng tại Biển Đông – các biện pháp giải quyết tranh chấp khả thi” diễn ra ở Moscow từ 20 - 22/9/2018.

Hội thảo đã lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về tình hình thực tế tại ở Biển Đông và đề xuất các giải pháp khả thi để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Các đại biểu cho rằng tình hình ở Biển Đông hiện nay có vẻ lắng dịu hơn so với thời điểm sau khi tòa Trọng tài Thường trực PCA ra phán quyết (tháng 7/2016), nhưng thực chất vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.

Một trong số những vấn đề đó là việc xây dựng và gia cố đảo nhân tạo trái phép và các hoạt động quân sự hoá tại khu vực Biển Đông.

Một số đại biểu cũng cho rằng yêu sách của Trung Quốc về đường 9 đoạn ở Biển Đông là hoàn toàn phi lý và không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982.

Các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất về các giải pháp giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, trong đó có giải pháp sử dụng cơ chế hoà giải, cơ chế trọng tài, cơ chế tham vấn mở dựa theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng dù sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp nào thì các bên cũng cần tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có phán quyết của toà Trọng tài PCA về vấn đề Biển Đông và việc giải quyết tranh chấp phải được thực hiện thông qua cơ chế đa phương.

Tại hội thảo, bà Jeanne Mirer, Chủ tịch hội Luật gia Dân chủ Quốc tế đánh giá cao các sáng kiến, đề xuất mà các đại biểu đã đưa ra, những góp ý này sẽ là một trong những tiền đề góp phần mang lại hòa bình và an ninh cho khu vực Biển Đông.

Hội Luật gia Việt Nam tham dự hội thảo “Thực trạng tại Biển Đông – các biện pháp giải quyết tranh chấp khả thi”.

Bà Mirer cho biết: Nhiều năm qua, IADL đã kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế vì các tranh chấp này đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới.

Thay mặt IADL, bà Mirer đề nghị tất cả các chuyên gia trong khu vực Biển Đông tham dự hội thảo báo cáo kết quả của hội thảo với Chính phủ nước mình để nghiên cứu và tiến tới đưa vào thực thi những sáng kiến phù hợp.

Chủ tịch IADL cũng khuyến nghị các bên liên quan sớm chấm dứt các hoạt động quân sự hóa cũng như bồi đắp, gia cố đảo nhân tạo bất hợp pháp để bắt đầu quá trình xây dựng lòng tin nhằm gìn giữ an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái của khu vực.

Bà nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, bao gồm nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia liên quan trong việc đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, yêu cầu các bên cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, nghiêm cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Bế mạc Hội thảo, bà Mirer đề nghị các thành viên IADL tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại khu vực Biển Đông để Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế có các động thái quan tâm và tham vấn kịp thời.

Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) là tổ chức phi chính phủ có tư cách cố vấn tại hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC). Được thành lập từ năm 1946, IADL có vai trò ủng hộ và duy trì luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền của các dân tộc được phát triển, bình đẳng về kinh tế và tiếp cận những thành quả tiến bộ khoa học cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật