Ngày 14/6, Viện nghiên cứu báo chí của Reuters đã công bố kết quả một báo cáo khảo sát trực tuyến với 93.432 người ở 46 quốc gia và vùng lãnh thổ liên quan đến tin tức báo chí. Các quốc gia châu Á tham gia khảo sát gồm: Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Malaysia, Philippines và Singapore. Độc giả Việt Nam không tham gia cuộc khảo sát này.
Theo báo cáo, phần lớn người được khảo sát cho biết họ thường theo dõi tin tức, song 38% thường xuyên hoặc thỉnh thoảng tránh những tin quan trọng, tăng so với 29% năm 2017.
Một trong những lý do chính khiến bạn đọc ít quan tâm tin tức hơn là do các tin tức kém vui như: đại dịch COVID-19, chiến sự Nga - Ukraine và khủng hoảng chi phí sinh hoạt (lạm phát, bão giá). Khoảng 36%, đặc biệt là những người dưới 35 tuổi, cho rằng tin tức làm tâm trạng của họ tuột dốc.
Ảnh minh họa.
Cũng theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters vừa công bố, độ tin cậy vào tin tức thời sự đang giảm, trong đó mức thấp nhất được ghi nhận ở Mỹ. Trung bình chỉ có 42% số người tham gia khảo sát cho biết họ tin hầu hết các tin tức thời sự. Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ này đã giảm gần 1 nửa trong số những nước được đề cập tới trong báo cáo, trong khi tỷ lệ gia tăng niềm tin vào tin tức thời sự chỉ ghi nhận tại 7 nước.
Báo cáo cho biết tỷ lệ người sử dụng các phương tiện truyền thông tin tức truyền thống đã giảm ở gần như tất cả các quốc gia được khảo sát, trong khi tỷ lệ sử dụng tin tức trực tuyến và xã hội không bù đắp lại được. Tỷ lệ người tham gia khảo sát nói rằng họ "tránh tin tức" có dấu hiệu tăng mạnh ở các quốc gia và được mô tả trong báo cáo của Viện nghiên cứu Báo chí Reuters như một hiện tượng "né tránh có chọn lọc".
Rasmus Kleis Nielsen - Giám đốc Viện Reuters cho biết: "Một số lượng lớn người xem coi truyền thông là đối tượng bị ảnh hưởng chính trị quá mức và chỉ thiểu số tin rằng hầu hết các đơn vị làm báo đặt lợi ích cho xã hội lên trên lợi ích thương mại của chính họ".
Bản báo cáo cũng cho thấy, các độc giả trẻ tuổi đang ngày càng có xu hướng tiếp cận tin tức thông qua các nền tảng như TikTok và có sự kết nối "lỏng lẻo" hơn với các hãng truyền thông.
Cụ thể, mỗi tuần, 78% số người được hỏi từ 18 - 24 tuổi tiếp cận tin tức thông qua công cụ tìm kiếm và truyền thông xã hội. 40% trong nhóm tuổi này sử dụng ứng dụng TikTok mỗi tuần, trong đó 15% cho biết sử dụng ứng dụng này để tìm kiếm, thảo luận hoặc chia sẻ tin tức.
Báo cáo cũng ghi nhận sự tăng trưởng về lượng người trả tiền đọc tin trực tuyến có thể đang chững lại. Một tỷ lệ lớn người trả tiền đọc tin trực tuyến trả tiền cho một số ít công ty báo chí có uy tín ở tầm quốc gia.
Tại hơn 20 quốc gia nơi việc trả tiền để đọc tin là phổ biến, 17% người trả lời khảo sát cho biết họ trả tiền cho bất kỳ trang tin trực tuyến nào, con số này giống với tỷ lệ của năm 2021. Giá dịch vụ đọc tin trực tuyến khác nhau giữa các quốc gia.
Linh Chi (T/h)