(ĐSPL) - Qua phân tích mẫu chất thải mà các đối tượng đổ xuống biển cho thấy, các tiêu chí về quy chuẩn môi trường đều vượt, thậm chí có chất độc hại vượt tới 1.500 lần.
Như tin đã đưa trong bài viết “Bắt 2 đối tượng đổ nước màu vàng nghi hoá chất độc hại xuống biển", gần đây, tại các bãi ngao trên địa bàn xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) liên tục xảy ra tình trạng ngao chết bất thường, không rõ nguyên nhân. Sự việc này khiến ngư dân huyện Hậu Lộc đứng trước nguy cơ trắng tay, lâm cảnh nợ nần chồng chất.
Ngày 9/1, trao đổi với PV, Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, sau quá trình lấy mẫu phân tích, đơn vị đã có thông báo kết quả ban đầu.
Người dân lao đao vì ngao chết trắng tại bờ biển huyện Hậu Lộc. |
Theo đó, kết quả phân tích mẫu lấy từ các thùng chất thải của Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho thấy, tất cả các chỉ tiêu về chất thải thải ra môi trường, đều vượt so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biển thủy sản và nước thải công nghiệp.
Một số chỉ tiêu vượt cao như hàm lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn gây ra (BOD5), mẫu lấy từ các thùng chất thải cao hơn từ 1.520 đến 1.980 lần; hàm lượng oxy cần thiết để oxy hoá các hợp chất hoá học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ (COD) từ 633,5 đến 816,2 lần; chất axit NH4+ từ 102,7 đến 128,52 lần; hàm lượng chất cadimi (một kim loại chuyển tiếp tương đối hiếm, mềm, màu trắng ánh xanh và có độc tính), mẫu cao nhất vượt 1.500 lần…
Chiếc tàu máy vợ chồng Hoàng Văn Thành và Hoàng Thị Huệ chở chất tẩy rửa chế biến hải sản xả trộm ra biển. |
Liên quan đến sự việc, trước đó, vào khoảng 4h30 ngày 31/12/2016, người nuôi ngao xã Hải Lộc đã mật phục bắt được một chiếc tàu chạy từ xã Ngư Lộc ra vùng bãi triều giáp ranh xã Minh Lộc và Hải Lộc đổ nhiều thùng đựng chất xuống biển, nơi có bãi ngao. Ngư dân và công an đã đưa 2 người này về trụ sở xã để làm rõ. Đó là Hoàng Văn Thành (SN 1973) và vợ Hoàng Thị Huệ (SN 1980), ngụ xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc.
Cặp vợ chồng Thành và Huệ khai nhận đang làm thuê cho cơ sở chế biến hải sản Hoàng Thắng, ở xã Ngư Lộc và được chủ cơ sở thuê chở chất thải trong bờ ra biển đổ, với giá 200.000 đồng/chuyến. Họ đã đổ thuê cho cơ sở trên từ đầu năm 2016 đến nay, mỗi tháng từ 7 - 10 chuyến, mỗi chuyến đổ ra biển từ 10 - 15 thùng chất thải.
Phía Sở TN-MT cũng nói thêm, đây mới chỉ là kết quả phân tích các mẫu chất thải của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, vì vậy cần chờ thêm kết quả các mẫu xét nghiệm, phân tích của cơ quan chức năng Trung ương và kết quả điều tra từ Công an huyện Hậu Lộc, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Thanh Hóa. Từ đó, mới có cơ sở để xác định nguyên nhân ngao chết có phải do chất và nước thải mà cặp vợ chồng Hoàng Văn Thành đổ xuống bãi nuôi ngao hay không.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hoá, tính đến ngày 6/1, trên địa bàn xã Hải Lộc có 201/230ha ngao nuôi bị chết, chiếm tỷ lệ khoảng 70%, trong đó, xã Đa Lộc có 200/350ha; tại xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) có 12/12ha ngao chết.
Trong báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hoá cũng chỉ rõ, nguyên nhân ban đầu dẫn đến tình trạng ngao chết hàng loạt không phải do dịch bệnh, vì kết quả phân tích các mẫu thu tại khu vực ngao chết cho thấy, có 3 mẫu ngao đều âm tính với ký sinh trùng perkinsus (bệnh nguy hiểm có khả năng gây chết cho ngao). Tuy nhiên, các chỉ tiêu về Amoni, Nitrit, Sulfua, COD đều vượt quá giới hạn trong nuôi trồng thủy sản. |