Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ngành Kiểm sát tập trung làm tốt nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội phạm

(DS&PL) -

Toàn ngành kiểm sát tập trung làm tốt nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, chủ động đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành...

Toàn ngành kiểm sát tập trung làm tốt nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, chủ động đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong Chỉ thị công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018. Chỉ thị này được nêu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác Kiểm sát năm 2018 diễn ra tại Hà Nội, ngày 29/12.

Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cũng theo Chỉ thị công tác năm 2018, toàn ngành kiểm sát tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên; triển khai thực hiện nghiêm các đạo luật mới về tư pháp; xây dựng ngành kiểm sát trong sạch, vững mạnh.

Chỉ thị nhấn mạnh "nếu để xảy ra trường hợp Viện Kiểm sát truy tố, sau đó Tòa tuyên bị cáo không phạm tội hoặc bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại, có trách nhiệm của Viện Kiểm sát thì cán bộ, Kiểm sát viên có liên quan phải kiểm điểm trách nhiệm và đây cũng là một trong những căn cứ xem xét khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh tư pháp".

Toàn ngành Kiểm sát phối hợp với cơ quan điều tra, Tòa án xử lý kịp thời các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; giải quyết dứt điểm các vụ án tồn đọng, kéo dài, bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, hủy để điều tra lại; tích cực áp dụng các biện pháp để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.

Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải thực sự là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp; chủ động thu thập thông tin có liên quan đến tội phạm và lựa chọn những lĩnh vực hoạt động tư pháp dễ phát sinh tội phạm để điều tra, xử lý nghiêm minh, nhằm răn đe, phòng ngừa chung, góp phần xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Chỉ thị cũng nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới công tác cán bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bản lĩnh, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong thực thi công vụ; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; đánh giá năng lực, trách nhiệm của Viện trưởng Viện Kiểm sát các cấp, thủ trưởng đơn vị thông qua kết quả công tác của đơn vị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đánh giá, năm 2017 toàn ngành kiểm sát tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội; tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2018, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, toàn ngành kiểm sát cần có bước chuyển biến mới về nâng cao chất lượng cán bộ, kiểm sát viên, nhất là đối với người đứng đầu phải có năng lực, kinh nghiệm, phẩm chất và uy tín để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.

Liên quan đến các vụ án tham nhũng, kinh tế, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu, toàn ngành kiểm sát cần tập trung làm tốt nhiệm vụ chống oan sai đồng thời với chống bỏ lọt tội phạm; chủ động đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Theo Báo cáo kết quả công tác của ngành kiểm sát, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố 69.481 vụ án hình sự. Viện Kiểm sát các cấp đã kiểm sát chặt chẽ 100% các quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra. Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện Kiểm sát các cấp đã yêu cầu khởi tố 565 vụ; kiểm sát chặt chẽ hồ sơ, trực tiếp lấy lời khai trước khi phê chuẩn các lệnh, quyết định đối với 31.618 người bị tạm giữ; ban hành 56.812 yêu cầu điều tra vụ án. Các trường hợp xảy ra oan, sai giảm đáng kể. Năm 2017, chỉ còn 3 bị cáo tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội có trách nhiệm của Viện Kiểm sát (giảm 70%)…

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ tham nhũng, kinh tế lớn như vụ Hà Văn Thắm, vụ Phạm Công Danh, vụ Giang Kim Đạt...; đẩy mạnh tiến độ điều tra giai đoạn II một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng để sớm đưa ra xét xử trong thời gian tới. Kết quả điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian qua được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát còn một số hạn chế, thiếu sót như: Một số đơn vị chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tố giác, tin báo về tội phạm; chưa ban hành kịp thời các bản yêu cầu điều tra; một số trường hợp phải đình chỉ do bị can không phạm tội và một số trường hợp truy tố không đúng tội nên Tòa án tuyên bị cáo không tội phạm. Việc giải quyết một số vụ án về tham nhũng còn kéo dài, phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần. Nhiều đơn vị chưa làm tốt công tác kháng nghị phúc thẩm ngang cấp. Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có chuyển biến khá tốt nhưng số đơn chưa giải quyết còn nhiều. Một số đơn vị chưa kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật, thiếu sót của các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan trong hoạt động tư pháp để kháng nghị, kiến nghị khắc phục, phòng ngừa.

Tin nổi bật