Tòa tuyên ngân hàng bán giá đấu giá tài sản sai luật nhưng phía ngân hàng không khắc phục lỗi, không trả lại tài sản thế chấp cho khách hàng.
Ngày 27/6/2013, Công ty Cổ phần Dược phẩm Đông Tây (gọi Công ty Đông Tây) ký kết Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Bắc Sài Gòn (gọi là MB Bắc Sài Gòn) với số tiền vay là 4,5 tỷ đồng, thời hạn vay 4 tháng.
Để đảm bảo cho khoản vay cho Công ty Đông Tây, vợ chồng ông Nguyễn Thế Binh và bà Lê Thị Định (trú tại phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM) đã dùng hai mảnh đất để thế chấp cho ngân hàng. Hai mảnh đất này đều đừng tên bà Định và thuộc ấp Phước Tân, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Do Công ty Đông Tây gặp khó khăn không trả được nợ gốc và lãi đúng hạn nên ngân hàng đã chuyển khoản nợ trên sang Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Quân Đội chi nhánh TP.HCM (gọi là Công ty MBAMC).Tính đến ngày 1/9/2015, Công ty Đông Tây còn nợ MB Bắc Sài Gòn cả gốc và lãi chỉ là hơn 2,5 tỉ đồng.
Ngày 29/9/2015, Công ty MBAMC mời vợ chồng bà Định làm việc. Tại đây, phía bà Định đã đề nghị ngân hàng và Công ty MBAMC cho thời hạn để cùng Công ty Đông Tây thu xếp trả nợ cho ngân hàng, MBAMC không có ý kiến gì tức là đồng ý với phương án nêu. Tuy nhiên, ngày 15/4/2016, Công ty MBAMC đã tự ý xử lý mảnh đất của bà Định bằng cách bán đấu giá để thu hồi nợ nhưng không thông báo cho công ty Đông Tây và vợ chồng bà Định.
Mảnh đất của vợ chồng bà Định tại ấp Phước Tân, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu |
Sau đó do phía MBAMC không bàn giao tài sản, nên người mua trúng đấu giá khởi kiện MBAMC ra tòa yêu cầu phải giao. Vợ chồng bà Định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là hủy 2 hợp đồng bán đấu giá tài sản trên. Ngày 8/6/2018 TAND TP Vũng Tàu xử sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu của người mua trúng đấu giá, bác yêu cầu của phía bà Định. Tuy nhiên bản án phúc thẩm số 132/2018/DS-PT ngày 27/12/2018 của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tuyên bác yêu cầu của người mua trúng đấu giá, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Định hủy toàn bộ 2 hợp đồng bán đấu giá tài sản của MBAMC.
Theo bản án phúc thẩm, tuy tại điều 4 hợp đồng thế chấp tài sản quy định: “ủy quyền không hủy ngang, vô điều kiện”, nhưng theo quy định của BLDS về ủy quyền không có thủ lao thì vợ chồng bà Định (bên ủy quyền) có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào. Do đó việc MB Bắc Sài Gòn bàn giao hai mảnh đất cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tải sản tỉnh để bán mà không có sự đồng ý hoặc ủy quyền của chủ tài sản là vợ chồng bà Định là sai.
Theo điều 336 và 355 BLDS thì tài sản thế chấp được xử lý theo nội dung các bên đã thỏa thuận hoặc được bán đấu giá. Ngày 29/9/2015 tại biên bản làm việc với MBAMC bà Định có ý kiến là không đồng ý bàn hai mảnh đất, tức là không thương lượng thành. Vì vậy, theo Điều 9 của hai hợp đồng thế chấp tài sản, thì phía MB Bắc Sài Gòn muốn xử lý tài sản thế chấp phải khởi kiện ra tòa. Sau khi có bản án có hiệu lực thì ngân hàng đề nghị thi hành án xử lý tài sản. Như vậy MB Bắc Sài Gòn tự ý xử lý tài sản của vợ chồng bà Định bằng cách bán đầu giá để thu hồi nợ là trái luật.
Cũng theo bản án phúc thẩm về trình tự bán đấu giá, phía MB Bắc Sài Gòn và MBAMC đã vi phạm về thực hiện thông báo việc xử lý tài sản đảm bảo của vợ chồng bà Định. Đối với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh, khi bán đấu giá phải xác định được chủ sở hữu tài sản. Trong vụ này hai mảnh đất không phải của MBAMC, cũng không có giấy ủy quyền của vợ chồng bà Định (việc ủy quyền tại điều 4 trong hợp đồng thế chấp không còn giá trị như đã phân tích). Trong khi giá khởi điểm của hai tài sản do MB Bắc Sài Gòn xác định thấp hơn rất nhiều so với giá nhà nước quy định, quá trình định giá không thông báo cho phía bà Định. Việc xác định giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với thực tế làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của của vợ chồng bà Định.
Từ đó tòa phúc thẩm kết luận việc MB Bắc Sài Gòn bán đấu giá tài sản mà không có ủy quyền hợp pháp của vợ chồng bà Định, không thông báo hợp lệ cho chủ tài sản được biết việc đấu giá tài sản và tự xác định giá khởi điểm không căn cứ vào quy định của pháp luật, phương thức xử lý tài sản chưa đúng, nên hợp đồng bán đấu giá tài sản là vô hiệu. Do hợp đồng bán đấu giá tài sản vô hiện nên hợp đồng mua bán tài sản đấu giá giữa Trung tâm bán đấu giá tài sản tỉnh và người mua trúng đấu giá cũng vô hiệu.
Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, phía Công ty Đông Tây nhiều lần liên hệ trực tiếp với Công ty MBAMC đề nghị được trả toàn bộ nợ gốc và lãi vay và yêu cầu ngân hàng trả lại tài sản thế chấp cho ông Binh bà Định, nhưng MBAMC cố tình không thực hiện. MBAMC viện lý do khoản nợ đã được hạch toán vào số tiền bán đấu giá tài sản nên không thể giải quyết đề nghị này. Phía MB Bắc Sài Gòn cũng không đưa ra hướng giải quyết nào khác khiến quyền lợi của phía bà Định bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo đại diện Công ty Đông Tây án phúc thẩm tuyên hủy hợp đồng bán đấu giá tài sản vì vô hiệu tức là các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận, phía MBAMC phải trả lại số tiền mua cho người trúng đấu giá. Đồng thời, Công ty này giải phối hợp với ngân hàng quyết nợ gốc và lãi vay của Công ty Đông Tây, nếu Đông Tây đồng ý trả hết nợ thì phải nhận và trả lại tài sản thế chấp cho ông Binh, bà Định, nhưng hai đơn vị này cố tình làm lơ.
Ngày 13/3/2019 công ty Đông Tây có đơn gửi giám đốc Công ty MBAMC đề nghị trả hết nợ vay và thanh lý hợp đồng tín dụng cũng như trả lại tài sản thế chếp cho phía bà Định, nếu không sẽ khởi kiện ra tòa yêu cầu chấm dứt hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên ngày 28/3/2019, ông Vũ Hồng Huân, Trưởng phòng xử lý nợ của MBAMC (không được giám đốc ủy quyền) có công văn trả lời là từ chối. Lý do là hiện giữa ngân hàng và Công ty Đông Tây không còn khoản nợ nào vì MBAMC đã lấy tiền của người mua trúng đấu giá tải sản trả nợ xong (!?). Ngoài ra MBAMC còn cho đang đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm vì cho rằng tòa xử không đúng, trong khi theo luật bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay, không còn quyền kháng cáo kháng nghị.
Ngày 26/3/2019 vừa qua, phía vợ chồng bà Định đã có đơn tố cáo giám đốc ngân hàng MB Bắc Sài Gòn và một chuyên viên xử lý nợ của MBAMC về hành vi cố tình chây ì, làm khó không tất toán đối với hợp đồng tìn dụng giữa Công ty Đông Tây và MB Bắc Sài Gòn đã ký vào ngày 27/06/2013. Hành vi này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của vợ chồng bà với tư cách là chủ tài sản thế chấp đang bị MB Bắc Sài Gòn neo giữ bất hợp pháp. “Đến thời điểm này phía Công ty Đông Tây và vợ chồng chúng tôi sẵn sàng ngồi lại với MB Bắc Sài Gòn để tính toán khoản nợ và nộp tiền để tất toán hợp đồng tìn dụng. Nhưng không hiểu vì lý do gì phía ngân hàng và MBAMC luôn làm khó và cản trở chúng tôi” - bà Định, cho biết.
Giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu 1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. 2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. 3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó. 4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.Điều 131 BLDS 2015. |
Thái Bình