Thế nhưng, bên cạnh những “điểm nóng”, có một câu chuyện liên quan trực tiếp đến hoạt động của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng rất cần được cơ quan hữu trách đưa ra xem xét. Đó là hiện tượng một số ĐBQH “bị” yêu cầu giải trình sau những chất vấn "đụng chạm".
Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng bộ Tài chính tại kỳ họp thứ 7. |
ĐBQH “bị” đòi giải trình?
Một câu chuyện xôn xao dư luận suốt những ngày qua liên quan đến việc Bộ Y tế gửi công văn đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM báo cáo và giải trình về một số nội dung phát biểu của Phó Giám đốc sở Phạm Khánh Phong Lan về công tác quản lý đấu thầu, nhập khẩu thuốc của bộ Y tế.
Ngày 8/10, sở Y tế TP.HCM nhận được công văn số 6889/BYT- VPB1 do ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế ký. Công văn nêu rằng, nhiều ý kiến của Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan như: "Không đồng ý với đánh giá của bộ Y tế về chất lượng thuốc thông qua đấu thầu được đảm bảo"; "Việc đấu thầu áp dụng theo quy định hiện hành thì kết quả là quay về đấu giá"... là không chính xác, không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về đấu thầu, nhập khẩu thuốc.
Sẽ chẳng có gì phàn nàn nếu bà Lan phát biểu với tư cách của một lãnh đạo Sở Y tế (cấp dưới về mặt quản lý ngành của Bộ Y tế - PV), đằng này bà nêu ý kiến dưới danh nghĩa một ĐBQH, người đại diện cho quyền lợi của cử tri trước nghị trường. Ai cũng biết, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Với danh nghĩa của một ĐBQH, bà Lan hoàn toàn có quyền chất vấn, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải thích vấn đề mình nêu ra. Việc bà chất vấn ngành y tế sau những vấn đề liên quan đến công tác quản lý đấu thầu, nhập khẩu thuốc cũng là lẽ đương nhiên và hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.
Những tưởng câu chuyện của ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan chỉ là cá biệt, nào ngờ, việc ĐBQH bị đòi giải trình sau những chất vấn "nóng" đã không còn là chuyện hiếm.
Cũng trong tháng 10/2014, Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hapulico đã có công văn số 286/CTY - TCHC gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về phát biểu của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương. Nội dung công văn này đề nghị "chấn chỉnh" Đại biểu sau những chất vấn liên quan đến tiêu cực trong "bôi trơn" sổ đỏ tại một số dự án trên địa bàn Hà Nội. Trong quá trình trao đổi với các ĐBQH, PV báo Đời sống và Pháp luật cũng được nghe kể về không ít lần họ bị đòi "giải trình".
Theo lời Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, ủy viên Thường trực ủy ban Pháp luật Quốc hội, bản thân ông cũng từng không ít lần gặp phải trường hợp tương tự. Khi được hỏi, đã bao giờ ông bị phản ứng trước những ý kiến thẳng thắn nơi nghị trường, Đại biểu Cương chia sẻ: "Phản ứng không nhiều nhưng cũng không phải là ít!". Đại biểu Cương cho biết, mới đây, phát ngôn về vấn đề thi tuyển công chức của một đơn vị thuộc Bộ Công Thương của ông cũng bị phản ứng...
GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - người luôn đưa ra những chất vấn thẳng thắn nơi nghị trường cũng khẳng định: "Tôi chỉ hoạt động ở Quốc hội hai khoá, nhưng ở khoá nào cũng biết chuyện Đại biểu bị phản ứng sau khi chất vấn hoặc sau những phát biểu ý kiến đụng chạm". GS. Thuyết dẫn chứng trường hợp ở khóa XI, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Việt Nhân, sau khi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã bị Thống đốc đề nghị Bí thư Tỉnh ủy "chấn chỉnh"(?!)...
Thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm của ĐBQH
Đó là vấn đề mà nhiều ĐBQH đặt ra khi trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật. Nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hoá Lê Văn Cuông thẳng thắn: "Thông thường, với những Đại biểu sợ đụng chạm đến lợi ích cá nhân, họ sẽ không phát biểu và "im lặng là vàng". Hoặc nếu có đứng lên phát biểu thì cũng chỉ nói chung chung, không đụng chạm đến ai. Ngược lại, với những người thẳng thắn thì đa số họ có bản lĩnh và không sợ gì cả. Nếu có cũng chỉ là sợ nói không đúng thực tế, làm sai chức năng nhiệm vụ của Đại biểu, còn nếu nói đúng thì không sợ gì hết. Nghị trường chính là nơi thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm của ĐBQH".
Ông Cuông cũng kể lại câu chuyện khi ông chất vấn về việc Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô 5 lần kháng lệnh của Thủ tướng. "Sau phiên chất vấn buổi sáng, đến đầu giờ chiều cùng ngày tôi nhận được điện thoại "dọa" từ ông Tô. Mấy ngày sau, tôi và trưởng đoàn ĐBQH 63 tỉnh, thành nhận được văn bản do Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang ký ban hành. Văn bản đề cập đến vấn đề tôi lấy chứng cứ ở đâu, nếu không có chứng cứ, tôi phải chịu trách nhiệm thế nào? Sau này, trước kiến nghị của tôi, Thủ tướng đã lên tận nơi xem xét chỉ đạo và cuối cùng đã giải quyết dứt điểm vụ việc".
Từ thực tế xảy ra với các ĐBQH, ông Lê Văn Cuông cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét để giúp cho Đại biểu làm đúng chức trách của mình. "Nếu cứ để như thế, sự việc đúng sai không rõ ràng thì sẽ không có lợi”, vị này nhấn mạnh.
Người ta thường nói "im lặng là vàng". Thế nhưng, với những ĐBQH đại diện cho tiếng nói của cử tri, điều này không thể đúng. Nếu vị dân biểu mà chọn cách im lặng thì những băn khoăn, bức xúc của người dân chắc chắn sẽ không thể đến được các cơ quan có thẩm quyền. Nói như lời Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, ĐBQH các khoá VIII, IX, X thì "ĐBQH mà không có dũng khí thì người dân chết".
Theo tướng Thước, chất vấn là quyền của ĐBQH, mục đích của phiên chất vấn là đảm bảo lợi ích cho người dân và quốc gia. Tất nhiên, không phải toàn bộ những vấn đề Đại biểu nêu ra tại các phiên chất vấn hoàn toàn đúng. Cũng có thể, có trường hợp Đại biểu chưa nắm được hoàn toàn thông tin mà đã nêu vấn đề đó ra trước Quốc hội. Trong những lúc như vậy, càng cần phải tranh luận để làm rõ đúng sai của vấn đề. "Mục đích của chất vấn không phải ai thắng, ai thua, hay sinh ra đối đầu, đối lập, mà phải coi quyền và lợi ích của quốc gia là tối thượng, trên cơ sở công khai minh bạch để người dân nắm được vấn đề", tướng Thước nhấn mạnh.
Nguyên Tư lệnh Quân khu IV cũng cho biết, ở nước ta, các ĐBQH không được trang bị cơ chế để điều tra, xác minh, làm rõ. Do đó, ĐBQH có quyền phản ánh nguyện vọng của cử tri và thực hiện chức năng giám sát của mình. Khi có thông tin chất vấn, cơ quan quản lý Nhà nước căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của mình và có trách nhiệm làm rõ vấn đề. "Tham nhũng không phải dễ "bắt", nhưng nếu vì thế mà không nêu ra thì sẽ không bao giờ chống được tham nhũng", vị này nói thêm.
Quyền của ĐBQH được quy định trong Hiến pháp Nói về quyền của ĐBQH, trao đổi với PV, luật sư Đỗ Toàn Thắng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đã dẫn chứng quy định tại Điều 80, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Theo đó, ĐBQH có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Bên cạnh đó, người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản. ĐBQH có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà ĐBQH yêu cầu trong thời hạn luật định. |