Theo hãng thông tấn Tass, tại cuộc họp báo ngày 30/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga vẫn tiếp tục hoạt động quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuyên bố này được đưa ra nhằm đáp lại những cáo buộc cho rằng Nga đã tăng cường các hoạt động tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào lãnh thổ Ukraine cùng lúc với các cuộc đàm phán giải quyết xung đột tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
"Một hoạt động quân sự đặc biệt vẫn đang được tiến hành. Ukraine biết rõ những gì cần phải làm để ngăn chặn cuộc giao tranh trong khuôn khổ của hoạt động quân sự đặc biệt. Tất cả những điều kiện này đã được Tổng thống Nga [Vladimir Putin] công bố cách đây một năm trong bài phát biểu trước ban lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Kiev rất hiểu những tuyên bố của Tổng thống Putin", ông Peskov nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố vào đầu năm rằng Moscow sẵn sàng tổ chức một vòng đàm phán khác với chính quyền Kiev tại Istanbul. Ông cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán nên tập trung vào bản ghi nhớ dự thảo của các bên.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cho biết trong một cuộc họp báo chung tại Kiev với người đồng cấp Đức Johann Wadephul rằng nước này đang trông chờ nhận thêm các hệ thống phòng không từ các đối tác của mình. Điều này bao gồm việc mua các hệ thống Patriot, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Theo ông Sybiha, quân đội Nga không còn như năm 2022 nữa, họ đã tích lũy được kinh nghiệm chiến đấu, sử dụng công nghệ mới và đang tích cực phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.
"Quân đội Nga không còn là quân đội của năm 2022 nữa. Họ cũng đang tích lũy kinh nghiệm chiến đấu, sử dụng các công nghệ tiên tiến đã được thử nghiệm trên chiến trường, tiến bộ trong việc phát triển ngành công nghiệp và lĩnh vực quốc phòng của mình. Và đây là mối đe dọa - không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với an ninh vượt Đại Tây Dương", ông Sybiha nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Ukraine cáo buộc rằng Nga cố tình nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự. Ông lưu ý đó là lý do tại sao Ukraine cần phải tăng cường phòng không khẩn cấp và chìa khóa trong việc này chính là "các hệ thống phòng không".
"Chúng tôi biết ơn Đức vì sự hỗ trợ chưa từng có của họ trong việc tăng cường lá chắn phòng không của chúng tôi. Và chúng tôi tiếp tục trông cậy và hy vọng mạnh mẽ rằnng chúng tôi sẽ nhận được thêm các hệ thống từ các đối tác của mình", ông Sybiha cho biết.
Ông Sybiha cũng tiết lộ rằng Ukraine đã chính thức yêu cầu Mỹ cung cấp thêm các hệ thống phòng không, đặc biệt là Patriot. Tổng thống Zelensky đã đích thân đề xuất với Tổng thống Trump về việc mua thêm các hệ thống phòng không, cụ thể là Patriot, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Ngoại trưởng Sybiha nhấn mạnh rằng Ukraine hiện cũng đặt mục tiêu phát triển năng lực sản xuất phòng không của riêng mình - và trong lĩnh vực này, nước này cũng hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác, đặc biệt là Đức.
Theo Tass và RBC-Ukraine