Nút thắt cuối cùng đang được các bên nhiệt tâm tháo gỡ, nếu thành công, Nga sẽ hiên ngang đưa tên lửa phòng không S-400 vào Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ở giữa lòng NATO.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 do Nga chế tạo. |
Quyết định về việc Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua các tổ hợp tên lửa phòng không sẽ sớm được đưa ra ngay sau khi hai bên thống nhất được vấn đề giá cả, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước này, ông Fikri Isik nói trong buổi truyền hình trực tiếp trên kênh NTV vào hôm qua, thứ Tư, ngày 10/05/2017.
Ông nhấn mạnh "Dự án đặt mua tên lửa phòng không S-400 là một trong những ưu tiên đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ đang đám phán tích cực với Nga về việc chuyển giao các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa này và các nội dung trao đổi tập trung vào những yếu tố kỹ thuật và giá cả.
Trong cuộc trao đổi tại khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Sochi hôm 3/5, nguyên thủ 2 nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất cao về chủ trương. Bây giờ chúng tôi hiện thực hóa bằng việc thỏa thuận về một số chi tiết liên quan đến kỹ thuật và giá cả. Ngay khi thống nhất được giá, lãnh đạo của chúng tôi Tổng thống và Thủ tướng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng".
Ông nói thêm, đây là một trong những dự án khẩn cấp đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm nhanh chóng nâng cao khả năng phòng không.
"Tuy nhiên, trong tương lai, chúng tôi sẽ phải tự phát triển những hệ thống tên lửa phòng không của riêng mình. Công việc này đã bắt đầu và sẽ được tiếp tục. Mục tiêu của chúng tôi là chế tạo được những tổ hợp tên lửa với trí tuệ trong nước và tỷ lệ nội địa hóa cao nhất", ông Isik cho biết.
Khi nói về vị trí của NATO đối với Thổ Nhĩ Kỳ, ông tiết lộ rằng nước này không thật hiểu thái độ của các đồng minh:
"Chúng tôi liên tục bày tỏ quan điểm với NATO rằng họ không đồng ý chuyển giao công nghệ chế tạo hệ thống tên lửa phòng không, cũng không nhượng bộ trong vấn đề giá cả, nhưng lại chỉ trích khi chúng tôi buộc phải tìm sản phẩm thay thế và tổ chức các cuộc đàm phán với những quốc gia khác".
S-400 là tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa thế hệ mới của Nga được đưa vào biên chế từ năm 2007. Chúng có thể tiêu diệt mọi loại mục tiêu bay như chiến đấu cơ, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa tầm trung và có thể sử dụng để diệt các mục tiêu mặt đất. S-400 có thể xạ kích các mục tiêu ở cự ly tới 400km và trần bắn đạt tới 30km.