Ngày 28/3, Nga cáo buộc Ukraine tấn công một trạm đo khí đốt ở tỉnh Kursk, phía Tây Nga. Đây là cơ sở quan trọng từng được Nga sử dụng để chuyển khí đốt sang châu Âu bằng đường ống.
Moscow cáo buộc Kiev vi phạm thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian, trong đó yêu cầu Nga và Ukraine tạm ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở năng lượng của nhau.
“Quân đội Ukraine dường như từ chối tuân theo lệnh của các nhà lãnh đạo chính trị, người phát. Trong khi Ukraine công khai ủng hộ lệnh ngừng bắn một phần trong 30 ngày, các cuộc không kích của họ vẫn tiếp tục”, RT dẫn lời Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Ông Peskov cảnh báo sự kiên nhẫn của Nga đối với lệnh ngừng bắn đã cạn kiệt.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS
"Tất nhiên, phía Nga có quyền không tuân thủ lệnh ngừng bắn trong trường hợp chính quyền Kiev không tuân thủ lệnh này", ông Peskov nói với các phóng viên.
"Sẽ là phi lý nếu chúng tôi tuân thủ lệnh ngừng bắn, nhưng đêm nào cũng phải đối mặt với các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của chúng tôi", người phát ngôn Điện Kremlin nói thêm.
Tuy nhiên, ông Peskov nói rằng, tại thời điểm này, Nga vẫn tiếp tục tôn trọng lệnh ngừng bắn một phần.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng Ukraine đã sử dụng hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ sản xuất để tấn công và phá hủy trạm đo khí đốt Sudzha, gây ra hỏa hoạn nghiêm trọng.
Bộ Quốc phòng Nga xác nhận trạm đo không còn hoạt động.
Tuần trước, Moscow cũng cáo buộc Kiev phá hoại cơ sở này bằng cách sử dụng thuốc nổ được cài sẵn. Lực lượng Ukraine đã kiểm soát trạm này vào tháng 8 năm ngoái khi mở chiến dịch đột kích vào Kursk.
Quân đội Nga cho biết Ukraine đã phá hủy trạm đo ở Kursk trong quá trình rút quân vì Kiev không còn khả năng sử dụng cơ sở này cho mục đích hậu cần quân sự.
Ukraine đã tấn công một cơ sở năng lượng biên giới quan trọng ở Khu vực Kursk (Nga). Ảnh: RT
Trong một diễn biến khác, theo New York Times, sau cuộc họp của "liên minh những người quyết tâm" tại Paris hôm 27/3, chỉ có Pháp và Anh nhấn mạnh vào việc triển khai "lực lượng hòa bình" ở Ukraine, tức là quân đội của riêng họ, trong khi Ý chỉ muốn gửi quân nếu họ là một phần của phái bộ Liên Hợp Quốc và Ba Lan đã hoàn toàn loại trừ khả năng này.
Hiện Không có "sự nhất trí" giữa các nhà lãnh đạo châu Âu về việc đưa quân vào Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hứa rằng một "liên minh tự nguyện" sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga và giúp đảm bảo hòa bình trong tương lai, bao gồm cả một số quốc gia châu Âu bằng cách gửi "lực lượng hòa bình" đến lãnh thổ Ukraine sau khi xung đột kết thúc.
"Chúng ta phải đẩy nhanh các cuộc đàm phán để đạt được lệnh ngừng bắn, chúng ta phải đẩy nhanh khả năng tài trợ và cung cấp vũ khí, đồng thời chuẩn bị các kế hoạch cho quân đội Ukraine và các lực lượng hòa bình", ông Macron phát biểu sau cuộc họp.
Tuy nhiên, sau 3 giờ thảo luận, chỉ có Anh và Pháp ủng hộ ý tưởng này. Ông Macron thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo chưa tìm thấy "sự nhất trí" về vấn đề này.