Theo TASS, sau cuộc hội đàm với các quan chức cấp cao của Mỹ tại Riyadh (Saudi Arabia), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow coi bất kỳ khả năng triển khai quân đội NATO nào đến Ukraine là không thể chấp nhận được.
Ngoại trưởng Lavrov chia sẻ, ông đã đề cập đến “chủ đề về khả năng triển khai lực lượng vũ trang, lực lượng gìn giữ hòa bình nếu xung đột được giải quyết hoặc đạt được thỏa thuận" trong các cuộc đàm phán.
“Chúng tôi đã nói rõ hôm nay rằng việc triển khai bất kỳ quân đội, lực lượng vũ trang nào từ các nước NATO nhưng dưới lá cờ khác, của Liên minh châu Âu hoặc quốc gia, đều không thay đổi điều gì trong bối cảnh này. Đối với chúng tôi, điều này là không thể chấp nhận được”, ông nhấn mạnh.
Bộ Ngoại giao Nga trước đó cảnh báo rằng Moscow coi bất kỳ đội quân gìn giữ hòa bình nào của châu Âu tại Ukraine là một “bước đi khiêu khích có thể làm leo thang xung đột hơn nữa”, theo RT.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: TASS
Một số nhà lãnh đạo cấp cao của EU, đáng chú ý nhất là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã đưa ra ý tưởng đưa quân đến Ukraine kể từ ít nhất là tháng 2/2024.
Hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã loại trừ khả năng triển khai quân đội Mỹ như một phần của các bảo đảm an ninh cho Kiev. Sự thay đổi chính sách của Washington đã thúc đẩy một cuộc họp khẩn cấp của các đồng minh châu Âu trong NATO vào ngày 17/2, với mục đích thiết lập lập trường thống nhất của EU. Tuy nhiên, cuộc họp kết thúc mà không đạt được bất kỳ kết quả cụ thể nào.
Theo Financial Times, đã có sự chia rẽ giữa các nước EU, trong đó Đức, Italy, Ba Lan và Tây Ban Nha bày tỏ sự miễn cưỡng trong việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau đó đã kêu gọi sự thống nhất trong NATO nhưng không trả lời các câu hỏi liên quan đến khả năng triển khai quân đội của nước này đến Ukraine, cho rằng vẫn còn quá sớm.
Trong khi đó, tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần trước, Thủ tướng Anh Keir Starmer nói rằng nước này “sẵn sàng và mong muốn” cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine, bao gồm cả việc gửi quân đội Anh.
Hồi tháng 1, Tổng thống Ukraine Volodymyr đã đề xuất triển khai ít nhất 200.000 binh sĩ nước ngoài làm lực lượng gìn giữ hòa bình tại nước này nhằm thực thì bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào với Nga.
Trong diễn biến liên quan, các phái đoàn Nga và Mỹ đã có cuộc hội đàm kéo dài 4,5 giờ tại Riyadh vào ngày 18/2. Phái đoàn Nga gồm Ngoại trưởng Sergey Lavrov, ông Yury Ushakov – trợ lý về chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) Kirill Dmitriev.
Trong khi đó, phái đoàn Mỹ bao gồm Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz cùng Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Stephen Witkoff.
Trong cuộc hội đàm, Moscow và Washington đã nhất trí khởi xướng một tiến trình giải quyết xung đột. Ukraine và EU không tham dự cuộc hội đàm này, trong đó Kiev khẳng định sẽ không công nhận bất kỳ kết quả nào nếu không có sự tham gia của nước này.