Reuters đưa tin, ngày 20/3, Nga cho biết nước này nắm được những nỗ lực của tình báo Mỹ trong việc sử dụng các nhà khai thác vệ tinh thương mại như SpaceX và cảnh báo rằng những động thái như vậy khiến vệ tinh của họ trở thành mục tiêu hợp pháp.
Cụ thể, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao - bà Nga Maria Zakharova thông tin với phóng viên: “Chúng tôi nhận thức được những nỗ lực của Washington nhằm thu hút khu vực tư nhân phục vụ tham vọng không gian quân sự của mình”.
Theo bà Zakharova, những hệ thống như vậy "trở thành mục tiêu hợp pháp cho các biện pháp trả đũa, bao gồm cả các biện pháp quân sự".
Vệ tinh Sateliot GroundBreaker hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất. Ảnh: Sateliot
Theo thông tin được đăng tải trước đó của Reuters, tập đoàn công nghệ SpaceX đang xây dựng một mạng lưới gồm hàng trăm vệ tinh do thám theo hợp đồng mật với cơ quan tình báo Mỹ. Điều này thể hiện mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa công ty vũ trụ của Elon Musk và các cơ quan an ninh quốc gia.
Cụ thể hơn, đơn vị Starshield thuộc SpaceX đang có hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD (44.720 tỷ đồng) với Văn phòng Trinh sát Quốc gia Mỹ (NRO) liên quan tới phát triển mạng lưới vệ tinh
Trước những thông tin từ Reuters, NRO thừa nhận sứ mệnh phát triển các hệ thống giám sát trên không gian, song từ chối bình luận về mức độ tham gia của SpaceX. Phía công ty của tỷ phú Elon Musk cũng từ chối bình luận về hợp đồng với NRO.
Nhà khai thác vệ tinh lớn nhất thế giới SpaceX hiện không trả lời một số yêu cầu bình luận về hợp đồng trên cũng như vai trò của công ty trong hợp đồng và thông tin chi tiết về các vụ phóng vệ tinh. Lầu Năm Góc đã chuyển yêu cầu bình luận tới Văn phòng Trinh sát quốc gia và SpaceX.
Tập đoàn SpaceX do tỷ phú Elon Musk thành lập năm 2002, bắt đầu phóng các vệ tinh Starlink vào năm 2019. Kể từ đó đến nay, hơn 5.000 vệ tinh đã được đưa vào quỹ đạo thấp của Trái đất. Hiện còn khoảng 4.500 vệ tinh đang hoạt động.
Gần đây, SpaceX đã sử dụng các liên kết laser khi triển khai hàng nghìn vệ tinh Starlink của hãng trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp, với mục đích truyền dữ liệu qua các vệ tinh trong không gian với tốc độ ánh sáng. Từ đó, cho phép SpaceX mở rộng phạm vi phủ sóng Internet trên toàn cầu mà không cần phụ thuộc nhiều vào các trạm mặt đất.
Trong khi các công ty vũ trụ đã chọn bán các bộ phận của tàu vũ trụ để đa dạng hóa nguồn thu nhằm tài trợ cho các dự án đòi hỏi nguồn ngân sách lớn, SpaceX đang phát triển và thử nghiệm hệ thống tên lửa và tàu vũ trụ Starship thế hệ tiếp theo. Hệ thống này có chi phí vận hành bớt tốn kém hơn song mạnh hơn nhiều so với tên lửa Falcon 9.
Mộc Miên (Theo Reuters)