Hãng tin RT dẫn lời ông Rodion Miroshnik - Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Nga mới đây cho biết các cơ quan bao gồm Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU), Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR) và Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) có thể được Nga liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố
Ông Miroshnik nhấn mạnh rằng AFU, GUR và SBU về cơ bản đã “làm mọi thứ” để được coi là tổ chức khủng bố kể từ khi nổ ra xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. “Thật vô nghĩa khi tha thứ cho những tội ác mà họ đã và có thể vẫn phạm phải. Không nên coi họ là một đơn vị vũ trang phù hợp trong lĩnh vực pháp lý quốc tế”, ông nói.
Nhà ngoại giao Nga cho hay việc đưa các cơ quan quân đội Ukraine vào danh sách khủng bố về cơ bản là “vấn đề thời gian” vì nó chỉ đòi hỏi sự chủ động từ phía các nhà lập pháp và chính quyền Nga. “Tại ở cấp độ Nga, điều đó là có thể”, ông Miroshnik tuyên bố.
Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik. Ảnh: X
Đầu tháng 2, Nga cũng từng đưa Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (HUR) Kyrylo Budanov, Tư lệnh Hải quân Ukraine Oleksii Neizhpapa và Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk vào danh sách "những kẻ khủng bố và cực đoan” của nước này.
Ủy ban Điều tra Nga hồi tháng 10/2023 thông báo rằng ông Budanov, ông Neizhpapa và các thành viên cấp cao khác của bộ chỉ huy quân sự Ukraine bị buộc tội thực hiện “các hành động khủng bố trên lãnh thổ Nga”. Theo đó, cơ quan này đã thu thập đủ bằng chứng để buộc tội các chỉ huy cấp cao của quân đội Ukraine về các tội liên quan đến khủng bố và sẽ tìm cách bắt giữ các nghi phạm.
Hành vi phạm tội bị cáo buộc của các quan chức Ukraine được cho là diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 9/2023. Các thống kê độc lập chỉ ra ít nhất 100 công dân Nga đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào Belgorod, Bryansk, Kursk và các khu vực khác của Nga.
Tổng thống Vladimir Putin cũng từng đề nghị chính phủ Nga nên đưa ra quyết định “chính trị và lịch sử” công nhận các cơ quan nhà nước của Ukraine như GUR và SBU là các tổ chức khủng bố. Ông cũng dân vụ một máy bay vận tải Il-76 chở 65 tù binh Ukraine bị bắn rơi hồi tháng 1 làm ví dụ.
Trước đó, ngày 24/1, một máy bay vận tải Il-76 của Không quân Nga bị rơi ở Korocha, vùng Belgorod khi đang chở 65 tù binh Ukraine đến biên giới để tiến hành trao đổi tù binh. Thời điểm vụ việc xảy ra, ngoài các tù binh Ukraine, trên máy bay còn có 6 thành viên phi hành đoàn của máy bay và 3 người đi cùng. Tất cả đều được xác nhận là đã thiệt mạng.
Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc chính Ukraine đã bắn rơi máy bay chở tù binh. Moscow cho biết máy bay đã bị lực lượng phòng không Ukraine đóng quân tại vùng Kharkov bắn trúng đồng thời quân đội Nga đã phát hiện Ukraine phóng 2 tên lửa vào thời điểm vận tải cơ bị rơi. Tuy nhiên, phía Kiev thời điểm đó đã từ chối nhận trách nhiệm về vụ việc
Phương Uyên (Theo RT)