Việc Nga chấp thuận bán cho Trung Quốc các loại vũ khí tối tân nhất như Su-35, S-400 đồng nghĩa với việc “gửi trứng cho ác” để bên mua thoải mái…sao chép.
Trung Quốc có thể trở thành khách hàng đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không mới nhất của Nga S-400. Tờ Kommersant dẫn một nguồn tin ẩn danh trong Điện Kremlin tiết lộ rằng thỏa thuận nguyên tắc về vấn đề này đã đạt được ở cấp cao nhất. Điều thú vị nhất là Nga khó lòng được lợi về kinh tế từ những thương vụ đó vì đó không phải là chuyện bán số lượng lớn mà chỉ là số lượng rất nhỏ. Điều đó khiến người ta nghĩ rằng, nước Nga đã đồng ý để người Trung Quốc sao chép các loại vũ khí tiên tiến của mình.
|
Trung Quốc có thể trở thành khách hàng đầu tiên mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 hiện đại nhất mà Nga đang sở hữu. |
Buôn bán vũ khí là loại hình kinh doanh béo bở đối với nhiều nước, khi trị giá các thương vụ tính bằng hàng tỷ USD. Nhưng thường thì các nước không chỉ đến chuyện lợi nhuận mà cả về an ninh quốc gia. Bởi vậy, người ta một mặt cố bán thật nhiều vũ khí, còn mặt khác là bán những thứ mà bản thân họ không cần. Chẳng hạn, thương vụ bán cho Ai Cập một lô lớn máy bay tiêm kích khá lạc hậu MiG-29 là phù hợp với cách hành xử chung trên thị trường vũ khí thế giới.
Còn trong trường hợp với Trung Quốc thì tất cả có vẻ hoàn toàn ngược lại. Số lượng S-400 trong trang bị của bản thân quân đội Nga chẳng lấy gì làm nhiều, không phận nước Nga đang được bảo vệ chủ yếu bằng các hệ thống thế hệ trước là S-300. Ấy vậy mà Nga đang sẵn sàng bán vũ khí hiện đại nhất cho Trung Quốc, hơn nữa lại là với số lượng quá ít ỏi.
Thông tin này phù hợp với tuyên bố mới đây của Tổng giám đốc Công ty Sukhoi, ông Mikhail Pogosyan rằng Nga cuối cùng đã đồng ý bán cho Trung Quốc một lô nhỏ máy bay tiêm kích Su-35 mà Nga hiện mới chỉ sản xuất được 22 chiếc.
Các chuyên gia thừa biết là Trung Quốc đang sao chép gần như bất kỳ vũ khí trang bị hiện đại nào rơi vào tay họ. Gần như tất cả các mẫu máy bay, xe tăng, xe thiết giáp, bệ phóng tên lửa đang được sản xuất ở Trung Quốc đều là các “bản nhái nguyên mẫu” của nước ngoài. Cần phải nói rằng, không chỉ Nga mà cả nhiều nước châu Âu bị tổn hại vì chuyện này. Và kinh nghiệm đã cho thấy rằng, sau đó Nga thực tế không thể chứng minh bản quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Về vấn đề này, học giả Viktor Murakhovsky -Tổng biên tập tạp chí Arsenal -nói: “Nguy cơ bị sao chép luôn hiện hữu trong hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc. Khi chúng ta cung cấp cho họ mấy tiểu đoàn S-300 thì sau một thời gian, ở Trung Quốc đã xuất hiện hệ thống của họ mà như người ta nói là ‘có điểm giống hệt’ hệ thống của chúng ta. Còn liên quan đến lợi ích tài chính thì việc cung cấp mấy bệ phóng chẳng có ý nghĩa gì đối với chúng ta… Hệ thống S-400 đang được đưa vào trang bị cho quân đội Nga với tốc độ khoảng 2 trung đoàn (tức là 8 tiểu đoàn) một năm. Sau năm 2016, chúng ta sẽ đưa hệ thống S-500 vào trang bị. Đây là hệ thống phòng không thế hệ mới nhất. Bởi vậy, không có gì đáng sợ trong việc Trung Quốc sẽ sao chép các công nghệ trước đó”.
Trả lời câu hỏi Nga bán các vũ khí mới nhất cho Trung Quốc để làm gì, Tổng biên tập Viktor Murakhovsky nói: “ Đây là quyết định chính trị. Điều đó liên quan đến S-400 hay Su-35. Mặc dù nếu nói về vũ khí trang bị không quân, chúng ta sắp có máy bay thế hệ 5 Т-50. Về công nghệ, kiểu gì chúng ta vẫn sẽ ở phía trước. Việc chuyển giao các công nghệ thế hệ trước không phải là nghiêm trọng... Tất cả phụ thuộc vào chính trị. Nếu như chúng ta coi Trung Quốc là đối tác chiến lược thì cần thông qua một quyết định. Nếu chúng ta lo ngại họ thì cần ra một quyết định khác. Đó đã là câu hỏi đặt ra cho ban lãnh đạo chính trị và quân sự của nước Nga”.
|
Trưởng phòng Phân tích Aleksandr Khramchikhin của Viện Phân tích quân sự và chính trị (Nga) cho rằng việc bán Su-35, S-400 với số lượng ít ỏi là có hại cho Nga. |
Trong khi đó, Trưởng phòng Phân tích Aleksandr Khramchikhin của Viện Phân tích quân sự và chính trị (Nga) lại cho rằng việc bán Su-35, S-400 với số lượng ít ỏi là có hại cho Nga. Ông Khramchikhin nhận định: “Có thể nói chắc chắn 100\% là người Trung Quốc sẽ sao chép các mẫu vũ khí của chúng ta. Không thể nào khác được. Người ta cứ nói đến những thỏa thuận nào đó về việc người Trung Quốc sẽ tôn trọng bản quyền trí tuệ của chúng ta”.
Về câu hỏi đâu là nguyên nhân để Nga sẵn sàng bán vũ khí trang bị cho Trung Quốc, Trưởng phòng phân tích Aleksandr Khramchikhin trả lời: “Điều đó cần hỏi ban lãnh đạo nước Nga… Ở Nga, từ lâu đã có đội ngũ vận động cho quyền lợi của Trung Quốc. Theo tôi, ‘đạo quân thứ năm’ mạnh nhất chính là đám thân Trung Quốc. Nhóm này có quan hệ với nhiều quan chức Nga. Và trước hết là trong các cơ quan sức mạnh và công nghiệp quốc phòng. Chúng ta phải hiểu rằng mối đe dọa lớn nhất đối với chúng ta xuất phát từ Trung Quốc”.