Nga tuyên bố, thỏa thuận chuyển giao chuyển giao các hệ thống kỹ thuật tiên tiến cho Syria sẽ bị hoãn, đồng thời cho rằng Syria đang có mọi thứ mà quân đội họ cần.
Một tổ hợp phòng không S-300. - Ảnh: Sputnik. |
Ngày 11/5, tờ báo uy tính Izvestiva của Nga đăng tải thông tin, thỏa thuận chuyển giao tổ hợp tên lửa phòng không S-300 của Nga cho phía Syria sẽ bị hoãn lại vô thời hạn và không có bất cứ một lý do cụ thể nào.
Ông Vladimir Kozhin, trợ lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin về các vấn đề hợp tác kỹ thuật-quân sự cho biết: "Hiện tại chúng tôi không có bất cứ phát ngôn nào về việc chuyển giao các hệ thống kỹ thuật tiên tiến (hệ thống phòng không) cho phía Syria". Thậm chí, ông Kozhin còn khẳng định hiện "Syria đang có mọi thứ mà quân đội họ cần" khi được hỏi về việc trong tương lai liệu lực lượng này có nhận được các tên lửa S-300 hay không.
Tuyên bố này của ông Vladimir Kozhin được đưa ra sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có chuyến thăm tới Moscow ngày 9/5. Trong cuộc gặp này hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình Syria, trong đó có những cuộc không kích của Israel vào nước Cộng hòa Arab này cũng như đà gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Tel Aviv và Tehran.
Giới quan sát nhận định có thể chuyến thăm Nga trong tuần vừa qua của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đã khiến Moscow quyết định xem xét lại việc cung cấp S-300 cho phía Syria.
Từ lâu, Israel đã ra sức vận động Nga không bán hệ thống S-300 cho Syria vì lo ngại hệ thống này sẽ cản trở các cuộc không kích của Israel nhằm ngăn chặn hoạt động tuồn vũ khí cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Syria.
Trước đó, các lực lượng vũ trang Nga đưa tin về khả năng tái đàm phán cung cấp S-300 cho Syria sau khi Mỹ, Anh và Pháp dùng tên lửa tấn công vào các chủ thể của chính phủ Syria. Thêm nữa, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik cho biết Matxcơva không còn "bất cứ nghĩa vụ đạo đức nào" để từ chối không cung cấp S-300 cho Syria.
Được biết, tổ hợp tên lửa S-300 từng được cho là khí tài quan trọng có thể giúp Syria chống lại các cuộc tấn công của phương Tây, tương tự vụ không kích bằng tên lửa hành trình của liên quân Mỹ, Anh và Pháp hồi tháng 4.
Mạng lưới phòng không Syria hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào những hệ thống từ thời Liên Xô như S-75 Dvina, S-125 Pechora, S-200 Vega, 2K12 Kub. Những vũ khí phòng không hiện đại nhất trong biên chế Syria hiện nay gồm tổ hợp pháo - tên lửa tầm ngắn Pantsir-S1 và tầm trung Buk-M2E.
NGUYỄN QUỲNH (Theo TASS)