Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Nếu không vào tâm dịch em sẽ hối tiếc nhiều hơn”

(DS&PL) -

Nữ sinh Vũ Thị Luyến lại không cho phép mình sống trong “vỏ bọc an toàn”, cô đã xung phong vào tâm dịch TP.HCM.

“Mình muốn làm”

Giữa tháng 8/2021, cô nữ sinh 9X Vũ Thị Luyến (SN 1999, quê Quảng Ninh) sinh viên năm cuối trường Đại học Dược Hà Nội nhìn thấy lá đơn đăng ký làm tình nguyện viên chống dịch tại TP.HCM do nhà trường gửi, không chút do dự, em đã đăng ký và xung phong cùng đoàn vào tâm dịch.

Từ 25/8 đến nay đoàn của Luyến vẫn đang thực hiện nhiệm vụ tại TP.HCM, tranh thủ giờ nghỉ giải lao, Vũ Thị Luyến đã có những trải lòng với ĐS&PL về công việc của một tình nguyện viên khi vào tâm dịch.

Nói về lý do xung phong làm tình nguyện viên vào tâm dịch, nữ sinh 9X chia sẻ: “Đơn giản lắm, lý do xuất phát từ cái tâm tình nguyện – em cũng là cựu thành viên của Tình nguyện Dược. Nên, khi nhìn thấy tờ đơn đăng ký tham gia tình nguyện do nhà trường gửi lên, trong đầu em khi ấy chỉ có 3 chữ "mình muốn làm". Dù biết là vào TP.HCM sẽ nguy hiểm vì dịch đang căng thẳng, nhưng nếu không đi chắc em sẽ hối tiếc nhiều hơn. Hơn nữa, em tâm niệm đây cũng là một cơ hội tốt để vừa làm việc tốt và vừa trải nghiệm”.

Luyến chia sẻ, khi vào TP.HCM, nữ sinh này được phân công tham gia công tác chống dịch ở phường Thạnh Xuân, quận 12. “Những ngày đầu mới vào Tp.HCM, mọi người cũng tập thích nghi nhanh và bắt tay vào công việc. Em được nhà trường chuẩn bị kỹ lưỡng kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công tác chống dịch”, Luyến chia sẻ.

Nhóm của Luyến được phân công đến hỗ trợ phường Thạnh Xuân.

Công việc hàng ngày của tình nguyện viên chống dịch như Luyến đó là lấy mẫu làm test cộng đồng và khu phong toả, rồi phụ trách kho vật tư của trạm y tế và hỗ trợ các công việc trong trạm y tế... Bận rộn là thế, mặc bộ đồ bảo hộ kín mít nhưng Luyến cùng những người bạn cũng là những tình nguyện viên luôn tự tạo niềm vui cho nhau, tạo dáng tinh nghịch trong bộ đồ bảo hộ... Tất cả những điều đó làm vơi bớt đi sự mệt mỏi sau một ngày dài làm việc.

Có những hôm trở về phòng nghỉ ngơi đã vào đêm khuya, áp lực, căng thẳng là vậy nhưng Luyến không hề chùn bước. Nữ sinh 9X hồ hởi chia sẻ: “Mệt thì mình cố ăn no ngủ sớm và sáng hôm sau lại chiến đấu tiếp. Nhìn thấy mọi người chiến đấu thời gian dài mà vẫn giữ được nhiệt huyết nên em thấy việc mình làm còn quá nhỏ bé”.

Ám ảnh khi các em nhỏ là F0

Trong quá trình làm tình nguyện viên, Luyến bày tỏ điều mà cô ám ảnh nhất đó chính là gặp các trường hợp các em nhỏ là F0.

“Có lần một em gái khoảng lớp 2 bị dương tính SARS-CoV-2, lúc lấy mẫu em ấy ngồi yên không la, không khóc, lấy xong ngồi bần thần, nhìn buồn tội lắm. Ba em ấy bảo "ba nói con nghe cái bệnh này nó không có sao hết á", sự động viên của ba với đứa con nhỏ càng khiến tôi thấy ấm áp lạ thường, giống như kiểu “không sao đâu, có ba ở đây rồi”. Hay có một lần khác, một gia đình có 2 anh em thì người anh bị dương tính, em gái cứ khóc rồi liên tục hỏi “má ơi anh hai phải đi bệnh viện ạ?", nhìn ánh mắt long lanh của những đứa trẻ, buồn vui hiện hết trên nét mặt nên em thấy thương lắm”, nữ sinh 9X xúc động chia sẻ những câu chuyện khó quên.

Còn rất nhiều câu chuyện mà nữ sinh này chứng kiến, nhưng có lẽ hình ảnh của các em nhỏ bị mắc COVID-19 là điều khiến Luyến nhớ nhất, không kìm được cảm xúc của mình.

“Hiện nay, số ca bệnh mắc hàng ngày ở TP.HCM cũng đang giảm dần, em cảm thấy vui vì thông tin tích cực này. Bởi lẽ, hơn ai hết em cảm nhận được sự vất vả, áp lực của đội ngũ nhân viên y tế khi phải điều trị cho một khối lượng lớn bệnh nhân F0. Đây cũng được coi như món quà đền đáp lại sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ nhân viên y tế”, nữ sinh 9X bày tỏ niềm vui khi số ca mắc tại Tp.HCM đang giảm.

Vào TP. HCM đến nay cũng đã được hơn 1 tháng, Luyến bảo mình thuộc tuýp người thích nghi nhanh và món ăn ở đây rất ngon nên cô không cảm thấy bỡ ngỡ. Đồng thời, lại được các anh chị tại phường mà cô làm việc hướng dẫn cụ thể, nhiệt tình hỗ trợ nên càng khiến cho nữ sinh thêm yêu mảnh đất và con người nơi đây nhiều hơn.

"Khi trở về Hà Nội, điều đầu tiên mà em muốn làm đó là “đề nghị” Quỳnh Trang-bạn cùng phòng làm thịt nướng. Còn đối với TP.HCM, khi rời nơi này, em sẽ nhớ về những ngày cùng mọi người lấy mẫu xét nghiệm, nhớ cả những cử chỉ ân cần, quan tâm của mọi người giữa tâm dịch dành cho nhau... Đó sẽ là kỷ niệm đẹp trong những tháng ngày sinh viên. Em chỉ mong sao không còn ca bệnh nữa để cuộc sống sớm trở về “ trạng thái bình thường”, Vũ Thị Luyến chia sẻ.

Hoàng Bích 

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Thứ 2 (số 163)

Tin nổi bật