Sau đề án cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá của Bộ Công an vừa trình Thủ tướng Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng đây là việc nên làm để tăng nguồn thu cho ngân sách. Song, cũng có ý kiến trái chiều.
Theo đại tá Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, hồi tháng 1 vừa qua, Bộ Công an đã trình Thủ tướng Đề án cấp biển số ôtô thông qua đấu giá. Đề án được Bộ Công an phối hợp Bộ tư pháp, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ xây dựng và lên kế hoạch lộ trình thực hiện.
Đại tá Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông. Ảnh: Cục CSGT |
Đề xuất đấu giá biển số xe từng bị “tuýt còi”
Trên thực tế, việc đấu giá biển số xe đã được Cục CSGT (Bộ Công an) đề xuất từ năm 1993, thời điểm đó một số địa phương như Hải Phòng đã tổ chức đấu giá biển số xe, tuy nhiên bị các cơ quan chức năng "tuýt còi". Sau đó Bình Thuận, Nghệ An là hai địa phương tổ chức đấu giá biển số xe, số tiền thu được hàng tỉ đồng để hỗ trợ người nghèo.
Nhưng do thiếu nhiều cơ chế nên Bộ Tài chính và Bộ Công an đã cho dừng hoạt động trên. Sau hàng chục năm, câu chuyện đấu giá đã đến lúc “chín muồi” khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an khẩn trương trình Chính phủ phương án đấu giá biển số xe trước ngày 15/3/2018.
Chia biển số xe 'đẹp' theo 5 nhóm để đấu giá |
Song ở phía dư luận, rất nhiều câu hỏi được đặt ra, ví dụ mức giá thế nào? Biển số đẹp có được coi là tải sản hay không? và nó gắn liền với chiếc xe hay với người chủ sở hữu... Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Ninh Bình) bày tỏ sự băn khoăn với đề xuất trên với với lý do “số người cần biển xe đẹp là không nhiều”. Hơn nữa, theo ông Phương, nếu đấu giá thì cũng nảy sinh vướng mắc là, có cho phép người sở hữu được quyền bán lại biển số đẹp không?
Lãnh đạo Cục CSGT cho biết, biển số ôtô đấu giá có thể chia thành 5 nhóm: Nhóm thứ nhất gồm 5 chữ số giống nhau. Nhóm thứ hai gồm 4 chữ số cuối giống nhau. Nhóm thứ ba có 3 chữ số giống nhau. Nhóm thứ tư gồm số sau lớn hơn số trước. Nhóm thứ năm bao gồm các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn khác với 4 nhóm trên.
Quá trình đấu giá để sở hữu biển số xe phải tuân thủ theo Luật Giao thông đường bộ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017; Luật Đấu giá tài sản 2016 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công an về đăng ký và quản lý xe.
Mỗi biển số xe được cấp cho một phương tiện, không được mua bán hay chuyển nhượng |
Việc thực hiện cấp biển số xe qua đấu giá phải thực hiện theo quy định của Luật giao thông đường bộ, Luật đấu giá tài sản, Luật sử dụng tài sản công và các văn bản quy định của Bộ Công an. Mỗi biển số xe được cấp cho một phương tiện. Biển số này sau khi đấu giá không được mua bán, chuyển nhượng cho người khác.
Các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam quy định một xe chỉ sử dụng được một biển số. Nếu sang tên chuyển nhượng cả phương tiện trong cùng một địa phương thì tiếp tục được sử dụng biển số xe đó. Nhưng một người ở Hà Nội có biển số xe là 12345, khi sang tên xe đó cho người ở địa phương khác, phải thực hiện lại từ đầu.
Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh cũng không đồng tình với việc trên. Ông Hồng cho rằng, số đẹp thì nhà nước bán, thế còn số không đẹp thì người dân có quyền bỏ tiền ra từ chối hay không? Ví dụ bốc phải số “ba chìm bảy nổi” thì công dân có quyền từ chối nhận không?.
Có tối ưu hóa nguồn thu cho ngân sách?
Việc đấu giá biển số xe sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách và tăng tính minh bạch. Tuy nhiên, thực tế những quy định trong đề án vẫn chưa đáp ứng hết được nguyện vọng của người dân cũng như tối ưu hóa nguồn thu cho ngân sách.
Một trong những nội dung chính trong đề án là người trúng đấu giá không được quyền bán lại biển số xe đã cấp, mỗi biển số chỉ được gắn với một phương tiện giao thông. Với những quy định này, nhiều người dân cho biết sẽ cân nhắc về mức chi phí bỏ ra nếu tham gia đấu giá.
Rõ ràng việc đấu giá biển số xe sẽ tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, cũng như hạn chế được những tiêu cực có thể xảy ra trong việc người dân phải chi tiền để có được biển số theo mong muốn, tuy nhiên nếu nói rằng có thu được tối đa từ nguồn tài nguyên này hay không đây vẫn là vấn đề cần được xem xét thêm.
Mặc dù theo đề án biển số xe ô tô được coi là tài sản công và khi tài sản đó được đấu giá lẽ ra người dân phải được quyền quyết định biển số đó vì lúc này đã trở thành tài sản riêng. Tuy nhiên, với điều kiện đi kèm không cho phép người dân định đoạt biển số trúng giá mục tiêu thu ngân sách sẽ không thể phát huy hết hiệu quả.
Hoàng Giang (T/h)