Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nên giảm án tử đối với những tội danh nào?

(DS&PL) -

(ĐSPL)- Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tiến tới hạn chế phạm vi sử dụng mức án tử hình là một xu thế văn minh, hội nhập với thế giới, thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo.

(ĐSPL)- Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tiến tới hạn chế phạm vi sử dụng mức án tử hình là một xu thế văn minh, hội nhập với thế giới, thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo của pháp luật.
Tuy nhiên, trong tình hình tội phạm ngày càng gia tăng và có diễn biến phức tạp, để việc thay đổi khung hình phạt không ảnh hưởng tới tính răn đe của pháp luật thì vấn đề cốt lõi là cần thực thi pháp luật thật nghiêm túc, đảm bảo không có tình trạng "chạy án để mua mạng sống".
Tử hình thay thế bằng chung thân
Bộ Tư pháp đang được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành, xây dựng sửa đổi Bộ luật Hình sự để trình Chính phủ vào quý IV/2014. Dự thảo định hướng sửa đổi Bộ luật lần này tiếp tục nghiên cứu hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình.
Trong Bộ luật Hình sự, các tội có mức hình phạt tử hình là các tội xâm hại đến an ninh quốc gia; tội phạm về chiến tranh, chống loài người, phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội giết người, hiếp dâm trẻ em; tội cướp tài sản, tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ...
Theo TS. Trần Văn Dũng, vụ Pháp luật Hình sự và Hành chính (bộ Tư pháp), dự kiến xu hướng giảm hình phạt tử hình sẽ được đặt ra trong quá trình xây dựng dự thảo. Tuy nhiên, giảm hình phạt tử hình ở tội nào thì cần có tính toán cụ thể. Trong một số tội phạm nhất định cũng có thể thay hình phạt tử hình bằng hình phạt khác có mức độ nghiêm khắc tương đương. Nhiều chuyên gia đề xuất mức hình phạt chung thân hoặc chung thân suốt đời để thay thế cho một số tội đang bị quy định là xử tử hình.
Liên quan đến vấn đề trên, luật gia Huỳnh Chiêu, nguyên Phó Giám đốc sở Tư pháp Bạc Liêu nêu quan điểm: Tôi đồng tình với việc chuyển từ tử hình xuống chung thân đối với một số tội. Có thể chuyển từ hình thức tử hình xuống chung thân đối với một số tội phạm trong các án kinh tế. Tuy nhiên, đối với những án hình sự, có đe dọa đến an ninh, trật tự xã hội thì phải tiếp tục duy trì tử hình. Tội cướp của giết người, hiếp dâm trẻ em nếu chỉ chung thân thôi thì chưa đủ tính răn đe.
Theo luật gia Huỳnh Chiêu, khi giảm án tử hình, tính răn đe của pháp luật cũng có thể bị giảm theo. Tuy nhiên, việc giảm là cần thiết để theo xu thế chung của quốc tế. ở trên thế giới, đối với án kinh tế, dân sự họ không xử tử hình nữa mà chuyển xuống chung thân hoặc tù 10 năm, 20 năm. Nhiều nước trên thế giới không sử dụng mức án tử hình nhưng họ vẫn duy trì được trật tự và răn đe được các đối tượng trong xã hội. Nếu họ làm được thì chúng ta sẽ làm được. ở ta, nếu áp dụng mức án chung thân suốt đời (chung thân vô thời hạn) có thể sẽ đảm bảo được ý nghĩa nhân văn hơn, tính răn đe giáo dục nhiều hơn là xử tử hình.
Tuy nhiên theo luật gia Chiêu, để tính răn đe của pháp luật được giữ vững ngay cả khi giảm án tử hình thì ở mỗi loại tội cần phải xử lý theo đúng ý nghĩa của nó. Chung thân thì phải đúng ý của chung thân. Không thể để tình trạng cho tù 10-15 năm rồi lại cho giảm án như tình trạng nhiều nơi hiện nay đang xuất hiện. Làm như thế sẽ không thấy được tính răn đe đối với xã hội.
Lo ngại về tình trạng "chạy án" nếu có sự thay đổi mức phạt, vị luật gia này nói: Việc có tăng nguy cơ chạy án hay không là nằm ở người thực thi pháp luật. Nếu việc thực thi pháp luật được diễn ra nghiêm đối với người có tội lẫn những người có quyền thì sẽ hạn chế được tình trạng đó. Chính vì thế, đối với những vụ án nghiêm trọng, nếu chúng ta không xử tử hình mà chỉ để chung thân trong điều kiện sửa đổi hiện nay thì cần phải có một hình thức xử lý nghiêm khắc. Chẳng hạn, đối với tội phạm kinh tế như tham nhũng, hối lộ, có thể giảm án tử hình. Trong các lĩnh vực phải làm sao có hành lang pháp lý thì để người muốn tham nhũng không tham nhũng được. Chúng ta phải xử lý cả hai chiều, giảm tội từ tử hình xuống chung thân nhưng phải tăng sự chặt chẽ của hành lang pháp lý để ngăn chặn tham nhũng.
Trao đổi với PV, luật gia Nguyễn Nguyệt Huệ, nguyên Phó Giám đốc sở Tư pháp TP.HCM cho rằng: Hạn chế áp dụng án tử hình là đúng vì theo xu hướng phát triển kinh tế bây giờ, nếu mình sử dụng hình thức đó quá nhiều đối với tội phạm kinh tế sẽ rất khó để thu hồi tài sản thất thoát. Khi gia đình người ta có sự mất mát rồi thì họ sẽ không muốn và không tích cực bồi thường hoặc hoàn lại chi phí người thân của họ làm thất thoát. Khi giảm án tử hình đối với tội tham nhũng, hối lộ thì cần phải phải tăng cường hiệu quả của các biện pháp tịch thu tài sản hay phạt tiền.
Cũng theo bà Huệ, đối với các tội như: Giết người man rợ, giết người hiếp dâm, giết người cướp tài sản, hoặc các tội có tính chất hủy hoại nòi giống như tội phạm ma túy, các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội chống loài người... thì phải nghiêm trị đúng theo các điều khoản đã ghi. Những hành vi này có tính chất côn đồ, dã man nên không nên hạn chế hình thức tử hình.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng nên giảm án tử hình ở các vụ án kinh tế. ảnh minh họa.
Điều cốt yếu là thực thi pháp luật
Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng Luật sư An Phát Phạm, đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: "Không có bất cứ hình thức xử phạt nào được gọi là nghiêm khắc tương đương với tử hình. Tuy nhiên, việc bỏ hình thức tử hình với một số tội phạm thể hiện tính nhân đạo rất cao, chính sách khoan hồng, đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta và phù hợp chung với xu hướng của toàn thế giới hiện nay. Tử hình là hình phạt cao nhất, loại bỏ tội phạm nguy hiểm ra khỏi đời sống xã hội. Nếu có khung hình phạt chung thân không giảm án cũng là một cách để loại bỏ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội".
Luật sư Phất phân tích, trên thực tế, tính răn đe của pháp luật không dừng lại ở luật pháp mà nó mang tầm xã hội rộng lớn. Việt Nam cần nhìn nhận rõ chúng ta đang hướng đến xã hội văn minh ở giai đoạn nào, đã đến lúc cần bỏ hình thức tử hình hay chưa? Yếu tố quyết định tính răn đe của pháp luật không hẳn nằm ở khung hình phạt mà nó là tổng thể các biện pháp. Việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh là một sự răn đe tốt nhất với tội phạm và toàn xã hội. Nếu một xã hội tồn tại quá nhiều sự việc thực thi pháp luật không nghiêm, ví dụ như án tử hình biến thành vô tội, từ người vô tội bị kết án tử hình như một số vụ án oan xảy ra thời gian qua thì rõ ràng khung hình phạt không hề có được tính răn đe như bản chất vốn có của nó. Thực thi pháp luật đã không nghiêm thì khung hình phạt không nói lên điều gì.
Được biết, đối với một số nước trên thế giới, ví dụ vụ thảm sát bằng súng đẫm máu ở Na Uy cách đây không lâu, dư luận Việt Nam nhìn nhận có thể khẳng định, hình phạt tử hình với tội phạm này mới là thích đáng. Nhưng, ở Na Uy không có án tử hình. ở một đất nước văn minh, bỏ tử hình là một xu thế tất yếu. Khi nhận thức xã hội đạt đến trình độ văn minh nhất định thì một người bị giữ trong tù một thời gian ngắn thôi đã là vấn đề cực kỳ ghê gớm và nghiêm trọng. Điều đó cho thấy, nhận thức của con người, của xã hội ảnh hưởng lớn như thế nào đến tính răn đe, giáo dục của luật pháp.
Luật sư Phạm Văn Phất
Luật sư Phạm Văn Phất đồng tình với quan điểm, xem xét giảm hình thức tử hình ở một số tội phạm, nhất là với tội phạm kinh tế. Còn việc thay tử hình bằng hình phạt nào thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng. "Theo tôi, giai đoạn này, chúng ta nên tập trung vào thực thi pháp luật cho thật nghiêm trước khi đổ lỗi cho lỗ hổng pháp lý. Tất nhiên, khi thực thi pháp luật, thấy xuất hiện những bất cập, bức xúc là phải sửa đổi, bổ sung. Nhưng, chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều vào biện pháp sửa đổi pháp luật để có được sự nghiêm minh của pháp luật. Càng không thể coi việc sửa đổi pháp luật có thể tăng cường tính giáo dục răn đe. Điều quan trọng nhất vẫn là thực thi pháp luật có đảm bảo nghiêm minh hay không".                   

Số lượng tội phạm tử hình là thước đo sự văn minh

Luật sư Phạm Văn Phất (ảnh trên) cho rằng, xét ở góc độ tư pháp, trên thế giới có thước đo sự văn minh của một đất nước bằng việc xem xét còn bao nhiêu tội tử hình. Càng ít tội tử hình trong quy định của pháp luật thì càng chứng tỏ đất nước đó văn minh nhiều hơn.

Tin nổi bật