Nguyên liệu
- Tai lợn: 1 cái khoảng 500g
- Lưỡi lợn: 1 cái khoảng 400g
- Bắp giò: 1 cái khoảng 300-400g
- Mộc nhĩ khô: 50g
- Nấm hương: 30-50g
- Hành khô: 30g
- Gia vị: Hạt tiêu, bột canh, nước mắm
Cách làm
- Tai lợn cạo lông thật sạch, sau đó bóp muối và rửa lại sạch sẽ.
- Cho tai, lưỡi và thịt bắp giò vào cùng một nồi, sau đó thêm một chút muối, giấm và một nhánh gừng đập dập, cuối cùng đổ nước vào nồi ngập thịt rồi đậy vung lại, đun tới khi nước sôi bùng thì tắt bếp.
- Vớt lưỡi ra cạo sạch hết lớp màu trắng, rửa sạch bằng nước và để cho ráo nước. Tiếp tục vớt tai và thịt bắp giò ra, xả nhanh dưới vòi nước lạnh và để ráo.
- Thái thịt bắp giò, tai và lưỡi thành những miếng mỏng dài tầm ngón tay. Ướp toàn bộ phần thịt, tai, lưỡi với muối, tiêu, nước mắm trong khoảng 30 phút.
- Mộc nhĩ và nấm hương ngâm cho mềm rồi rửa sạch, hành khô bóc vỏ sạch. Sau đó, thái mộc nhĩ, nấm hương thái dài, hành khô thái lát
XEM THÊM: Đêm Giao thừa, người dân các nước trên thế giới ăn gì để đón may mắn trong năm mới?
- Cho 1 ít dầu vào chảo đun nóng rồi cho hành vào phi thơm, sau đó cho thịt vừa ướp vào xào cùng. Đảo đều tay khi xào và để lửa vừa cho thịt được chín đều, cho thêm một chút mắm vào thịt cho vừa ăn vì mắm sẽ làm cho thịt dậy mùi và thơm hơn xào trong khoảng 10 phút đến khi thịt săn lại.
- Cho nấm hương và mọc nhĩ đã thái nhỏ vào xào cùng. Khi thấy thịt hơi cháy cạnh, tất cả nguyên liệu chín và ngấm gia vị, rắc một chút hạt tiêu vào đảo đều rồi tắt bếp. Cần chú ý trong khi xào thịt, nếu xào quá kỹ thì giò sẽ khô, thịt xào chưa đủ độ thì giò sẽ không được thơm. Chỉ nên xào đến khi thịt tiết mỡ và hơi cháy cạnh là được.
- Khi hỗn hợp còn nóng, hãy cho nhanh vào khuôn, lèn thật chặt để chảy bớt mỡ, rồi để thật nguội. Lúc này, thịt đã kết dính với nhau tạo thành một khối, hãy tháo giò xào ra khỏi khuôn.
Lưu ý, nếu không có khuôn thì chuẩn bị sẵn vài tấm lá chuối rửa sạch và hơ qua lửa cho lá mềm, cuốn thịt sẽ dễ dàng hơn. Khi thịt vừa xào xong, trong khi vẫn còn nóng, nhanh tay cho thịt ra lá đã được chuẩn bị sẵn rồi gói lại và dùng lạt buộc cho chắc. Sau đó, sử dụng các vật nặng để ép giò như thới gỗ, nồi… Cách này giúp cây giò chắc nịch và để được lâu mà không cần bảo quản trong tủ lạnh.
Để món giò xào đúng như hương vị ngày Tết cổ truyền, nhất là ở miền Bắc trong thời tiết lạnh, khi thái giò ra ăn, đừng quên chuẩn bị thêm một đĩa dưa muối hoặc hành muối. Những miếng giò béo ngậy, giòn sần sật đậm đà cùng với vị thơm của hạt tiêu chắc chắn sẽ khiến ai nấy ăn một lần nhớ mãi không quên.
Đinh Kim (T/h)