Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang hiện đang điều trị cho các nạn nhân may mắn sống sót sau vụ sạt lở đất vùi lấp xe khách ở huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang), khiến 11 người tử vong và 4 người bị thương.
Theo thông tin trên báo Tiền Phong, anh V.M.S (SN 2004, ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) nằm trên giường bệnh với gương mặt vẫn còn chưa hết bàng hoàng.
“Đến hiện tại cả người vẫn đau nhức, không thể ngồi dậy được”, anh S. chia sẻ, đồng thời cho biết rằng anh đi làm công nhân ở dưới Hà Nội, do lâu ngày chưa về nên đợt này xin nghỉ để về thăm gia đình, không may gặp nạn giữa đường.
Anh V.M.S hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Ảnh: Tiền Phong
Anh S. kể thêm, sau quãng đường dài di chuyển từ Hà Nội, anh về đến TP.Hà Giang vào khoảng hơn 2h ngày 13/7. Lúc này, có xe khách chạy tuyến Hà Giang - Cao Bằng đi qua nhà, anh S. đã lên xe để di chuyển về nhà.
Khoảng hơn 3h ngày 13/7, xe bắt đầu khởi hành từ bến xe Hà Giang, trên xe có khoảng 20 người, cả người lớn và trẻ nhỏ. Khi xe khách đến thôn Tả Mò (xã Yên Định, huyện Bắc Mê) vào khoảng hơn 4h, bất ngờ đất đá sạt xuống đường, xe bị sa lầy đến ngang lốp xe không đi được.
Mọi người hô hào nhau xuống đẩy xe nhưng không đi được, trên xe còn 2 - 3 người. Thấy xe bị sa lầy, một số người trên ô tô con ở gần đó cũng xuống xe đẩy giúp.
Một lúc sau, khu vực này tiếp tục sạt lở. Thấy đất đá đổ xuống, mọi người hô nhau chạy nhưng cũng không biết chạy đi đâu. Chạy được vài bước, họ bị đất đá đè ngang người. Khoảng 5 phút sau, đất đá lại đổ xuống tiếp.
"Lần đầu tôi nghe thấy mọi người kêu cứu nhưng lần thứ hai thì không thấy tiếng gì nữa", anh S. nghẹn ngào kể.
Anh S. nói tiếp: “Lúc đấy, tôi nghĩ là cuộc sống của mình chắc chỉ đến đây thôi, không thoát được đâu. Không có ai cứu thì mình chết thôi. Thời điểm này, tôi chỉ thò được đầu lên mặt đất rồi cố lấy tay cào bớt đất để thở nhưng vẫn không di chuyển được do đất đá đè ngang người”.
Báo Tiền Phong dẫn lời anh S. cho biết thêm, sau lưng anh S. lúc đó có một người đàn ông bị đất đá đè, ban đầu người này cũng cào được đất đá ra để thở. Thế nhưng, khi lần sạt lở thứ hai ập đến, anh không thấy người này thở nữa.
Tới khoảng 6h, anh S. thấy xe cấp cứu và lực lượng công an. 30 phút sau, anh S. được mọi người đưa ra ngoài, sau đó chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm những người bị vùi lấp. Ảnh: Tiền Phong
VTV Times dẫn thông tin từ ông Nông Văn Tiên - Phó Chỉ huy trưởng, Ban chỉ huy quân sự huyện Bắc Mê, Phó Chỉ huy quân sự huyện Bắc Mê, cho biết cập nhật đến chiều 13/7, trong vụ sạt lở đất có tổng 25 người bao gồm cả xe bị sạt, xe ô tô hỗ trợ và người dân.
Trong số đó, tính đến hiện tại có 11 người tử vong, 8 người thoát thân, 4 người bị thương đang điều trị ở bệnh viện tỉnh, 2 người vẫn đang mất tích.
Được biết, ngoài anh S., 3 nạn nhân may mắn sống sót sau vụ sạt lở kinh hoàng là cháu L.M.P (SN 2016, trú tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu); chị M.T.D (SN 1989, ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng); anh G.A.T (SN 2005, ở xã Yên Cường, huyện Bắc Mê).
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang thông tin, tình hình sức khỏe của 4 nạn nhân cơ bản ổn định. Các bệnh nhân bị xây xát nhiều bộ phận trên cơ thể, hạn chế di chuyển. Các y, bác sĩ vẫn đang theo dõi sát sao tình hình diễn biến sức khỏe của các bệnh nhân.
Khối lượng đất đá ước đạt tới 2000 m3 từ trên mái taluy dương đổ xuống vùi lấp một xe khách 16 chỗ. Ảnh: VTV Times
Liên quan đến vụ sạt lở đất kinh hoàng, một trong những nguyên nhân chính là do mưa lớn kéo dài. Liên tục từ ngày 2/7 đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Mê và nhiều nơi khác của tỉnh Hà Giang đã phải hứng chịu những trận mưa hàng trăm mm.
Theo số liệu tổng hợp từ hệ thống đo mưa chuyên dùng Vrain, lượng mưa từ đầu tháng đến nay ở Hà Giang phổ biến từ 300 - 600mm. Một số nơi như Thông Nguyên - Hoàng Su Phì mưa đặc biệt lớn tới 832 mm, Thượng Sơn - Vị Xuyên 906 mm, vượt quá cả lượng mưa trung bình nhiều năm cả tháng 7.
Ngoài ra còn có một yếu tố quan trọng khác là về địa chất. Hà Giang là tỉnh có địa hình phức tạp, các tuyến đường chạy quanh co trên các sườn núi cao, chia cắt mạnh, địa chất không đồng nhất, đất đá bị phong hóa mạnh có thành phần vật liệu hỗn độn giàu sét, sạn, tính chất cơ lý bở rời gắn kết yếu.
Khi mưa lớn kéo dài, đất đá cơ lý yếu bị ngậm nước quá nhiều dẫn đến trương nở bão hòa nước làm tăng thể tích và trọng lượng, đồng thời giảm lực ma sát gây trượt lở mạnh.
Cảnh báo trong đêm nay và những ngày tới, Hà Giang tiếp tục xuất hiện mưa lớn, nguy cơ sạt lở đất đá vẫn rất cao.