Bà ngoại Bilqis của Kamila cho biết cô bé đã bị suy dinh dưỡng trong 8 tháng qua khi bà cố gắng chăm sóc cô bé trong một bệnh viện đầy những đứa trẻ tiều tụy khác ở Kandahar, miền Nam Afghanistan.
Quá yếu ớt vì thiếu chất, Kamila thậm chí còn không thể khóc. Mỗi khi bị đau, bé gái người Afghanistan chỉ biết thể hiện bằng cách sờ vào tai.
Bà Bilqis chia sẻ: “Mẹ con bé bị bệnh và chúng tôi là những người nghèo khổ. Mẹ cháu đã rất cố gắng cho con bú nhưng không có sữa”.
Dù gần 3 tuổi nhưng bé Kamila chỉ nhỏ như trẻ sơ sinh. Nguồn: CNN
Gia đình của Kamila chỉ là một trong số hàng triệu người Afghanistan đang phải vật lộn để tồn tại trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng vào mùa đông khắc nghiệt và nền kinh tế đứng trước bờ vực sụp đổ.
Trước tình hình này, các tổ chức nhân quyền thế giới đang kêu gọi thêm viện trợ nước ngoài hơn, nhấn mạnh các nhóm dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ và trẻ em hiện đang phải trải qua những ngày khắc nghiệt nhất.
Trong một tuyên bố với CNN, Taliban thừa – lực lượng lãnh đạo Afghanistan hiện tại – thừa nhận “các vấn đề kinh tế” của đất nước nhưng lại từ chối gọi đây là cuộc khủng hoảng. Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid nhấn mạnh: “Sẽ không có ai chết đói vì không có nạn đói và các thành phố vẫn đầy ắp thức ăn”.
Dù vậy, tuyên bố này được cho là trái ngược hoàn toàn so với hình ảnh thực tế về những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng vì không có thức ăn.
Ngay từ trước khi Taliban lên nắm quyền lãnh đạo Afghanistan vào tháng 8, tình trạng nghèo đói và mất an ninh lương thực đã diễn ra thường xuyên tại quốc gia Nam Á này do hạn hán kéo dài, suy giảm kinh tế, xung đột và đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, 3 tháng sau khi nhóm này tiếp quản thủ đô Kabul, cuộc khủng hoảng đã nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn. Hàng tỷ USD viện trợ phát triển nước ngoài đã cạn kiệt, khiến nước này không còn vốn để duy trì nền kinh tế, các dịch vụ quan trọng và viện trợ.
Theo Liên Hợp Quốc cảnh báo khi mùa đông bắt đầu, gần 23 triệu người - hơn một nửa dân số Afghanistan- đang phải đối mặt với mức độ đói cực độ. Trong đó, ít nhất một triệu trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ chết vì đói.
Điều kiện tồi tệ đến mức một số bệnh viện, không có tiền mua khí đốt và nhiên liệu, đã phải chặt cây để sưởi ấm phòng bệnh nhân. Các nhóm cứu trợ cảnh báo tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn nếu cộng đồng quốc tế không hành động ngay.
Gia đình tuyệt vọng tìm cách bán mọi thứ
Thời tiết khắc nghiệt đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), đại đa số người Afghanistan dựa vào nông nghiệp để kiếm sống.Tuy nhiên, hiện tại, nước này đã mất 40% vụ mùa trong năm nay do hạn hán. Khi nguồn cung cấp thực phẩm cạn kiệt, giá các mặt hàng chủ lực như lúa mì và bánh mì cũng tăng vọt.
Musafer, một người lao động và chủ cửa hàng chia sẻ: "Chúng tôi chỉ có nước và bánh mì - đôi khi chúng tôi có nó, nhưng đôi khi không có gì để ăn".
Đầu tháng này, anh đã phải đưa cô con gái Razia đến Bệnh viện tỉnh Ghor ở thành phố Chagcharan, thủ phủ của tỉnh. Anh Musafer chia sẻ con gái anh đã gần 3 tuổi nhưng cô bé gầy đến mức xương sườn và xương sống của cô bé lộ rõ. Đây là lần thứ 3 anh đưa con đến bệnh viện khám bệnh nhưng tình hình không hề được cải thiện.
Anh chia sẻ: "Không có việc làm, không có thu nhập, không có thức ăn mang đến cho con bé. Mỗi lần nhìn thấy con bé như vậy, tôi đều vô cùng đau lòng”.
Bé Razia bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Nguồn: CNN
Sự tồi tệ thật sự của nạn đói tại Afghanistan vốn đã được Richard Trenchard, Đại diện Tổ chức Nông lương tại Afghanistan, mô tả từ tháng 11/2021. Ông nhận xét: “Mọi nông dân mà chúng tôi đã nói chuyện đều đã mất gần như toàn bộ vụ mùa trong năm nay, nhiều người buộc phải bán gia súc của mình, họ đã phải gánh những khoản nợ khổng lồ và chỉ đơn giản là không có tiền”.
Tình cảnh này không chỉ xảy ra với nông dân mà ngay cả các ngành nghề khác tại Afghanistan cũng không có thu nhập trong nhiều tháng. Các nhân viên chính phủ và hiệu trưởng các trường học - nhiều người trong số họ không được trả lương trong vài tháng - nằm trong số những người đang xếp hàng để đợi mua suất ăn và chăm sóc y tế. Trên khắp đất nước, các gia đình đang bán quần áo, đồ nội thất, gia súc - đôi khi thậm chí toàn bộ ngôi nhà – để có tiền mua thực phẩm.
Trại di dời nội bộ Jar-e-Sakhi ở quận Qala e Naw của tỉnh Badghis, Afghanistan. Ảnh: CNN
Cũng trong tháng 11, ông Deborah Lyons, người đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan, cho biết 10/11 khu vực đô thị đông dân cư nhất của Afghanistan đang phải đối mặt với mức độ khẩn cấp về tình trạng mất an ninh lương thực.
Trong các trại di dời nội bộ, một số gia đình nghèo nhất không còn gì để bán thậm chí đã phải bán chính con gái của họ để lấy tiền. Một số bậc cha mẹ nói rằng đó là cách duy nhất để giữ cho những đứa con khác của họ sống sót.
Trao đổi với CNN, ông Mujahid, người phát ngôn của Taliban, nhấn mạnh người dân Afghanistan đang cần cấp thực phẩm khẩn cấp. Ông Mujahid khẳng định aliban đang "cố gắng tăng khoản viện trợ" để phân phát cho người dân cùng với các tổ chức nhân đạo.
Sức nặng với nền y tế
Nạn đói đã đẩy các bệnh viện Afghanistan vào tình trạng quá tải với số người nhập viện và tử vong vì đói tăng cao. Đáng nói, các bệnh viện Afghanistan hiện còn đang vật lộn với cảnh thiểu hụt cả nhân lực và vật tư y tế.
Chương trình y tế toàn quốc của Afghanistan trước đây được Ngân hàng Thế giới tài trợ. Nhưng việc tài trợ đã bị tạm dừng vào tháng 8/2021 sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul, khiến 2.300 cơ sở không có đủ điều kiện để mua vật tư y tế hoặc trả lương cho nhân viên.
Vào cuối tháng 9, hầu hết các bệnh viện và phòng khám đã đóng cửa. Chỉ còn dưới 1/5 cơ sở chăm sóc sức khoẻ vẫn còn hoạt động tại Afghanistan. Trước khi Taliban Kabul, có tổng cộng 39 bệnh viện ở Afghanistan điều trị COVID-19. Tuy nhiên giờ đây, Tiến sĩ Paul Spiegel từ Đại học Johns Hopkins, người vừa trở về từ Afghanistan, cho biết con số này hiện đã giảm xuống chỉ còn 3-4 bệnh viện mở cửa.
Ông Faziluhaq Farjad, trưởng khoa suy dinh dưỡng của Bệnh viện tỉnh Ghor. Ảnh: CNN
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một trong số các cơ quan đã nối lại vận chuyển các nguồn cung cấp y tế thiết yếu đến Afghanistan sau tháng 8/2021. Vào tháng 11, WHO cho biết bốn lô hàng mà tổ chức cung cấp cho Afghansitan sẽ đáp ứng đủ như cầu cho 1,5 triệu bệnh nhân.
Trong khi đó, theo một bàn tin của Liên hợp quốc, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã cung cấp 15 triệu USD cho ngành y tế Afghanistan vào tháng 11, giúp trả lương cho hơn 23.000 nhân viên y tế.
Dù vậy, nhiều nhân viên nhân đạo và bác sĩ trên cảnh báo điều này vẫn chưa đủ. Ông Faziluhaq Farjad, trưởng khoa suy dinh dưỡng của Bệnh viện tỉnh Ghor cho biết bệnh phải đón tới 100 bà mẹ và trẻ em đến khám mỗi ngày để điều trị suy dinh dưỡng cùng với một loạt bệnh khác như sởi, tiêu chảy, cảm lạnh và cúm.
Ông nhận định tất cả những vấn đề này đều có mối liên hệ với nhau: Những bà mẹ và trẻ em bị suy dinh dưỡng sẽ yếu, dễ bị bệnh và nhiễm trùng hơn. Ông nói thêm những người này thường phải đi một quãng đường dài để đến bệnh viện và khi đến nơi, họ còn yếu hơn.
Một vấn đề nữa được đặt ra là nguồn cung cấp thiết bị và thuốc men của bệnh viện đang cạn kiệt nhanh chóng. Trong đó, khoa dinh dưỡng của bệnh viện chỉ còn sữa để cung cấp cho bệnh nhân.
Ông Farjad thông tin: “Gần 70% các trường hợp bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và trường hợp này là ở thành phố. Hãy tưởng tượng xem tình hình ở các tỉnh còn tồi tệ như thế nào. Nếu không ai chú ý, mọi thứ còn tồi tệ hơn nhiều”.
Một trong những bệnh nhân của ông Farjad là bé Nasrin, 1 tuổi, bị suy dinh dưỡng nặng. Cô bé đã phải nằm viện gần nửa thời gian sống của mình. Anh Abdul Rauf, cha của bé Nasrin, chia sẻ: “Cứ sau 20 ngày, cứ 10 ngày, chúng tôi lại phải đến bệnh viện. Đây là cuộc sống của tôi và chúng tôi dành thời gian cho những việc này”.
Minh Hạnh (Theo CNN)