Nghĩ quẩn vì nợ nần
Ngày 22/11, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết người dân tại tòa chung cư HH1A Linh Đàm đã phối hợp cùng lực lượng công an phường giải cứu một nam thanh niên có ý định nhảy lầu tự tử.
Nam thanh niên là N.A.T., 21 tuổi (ở huyện Thường Tín, Hà Nội), từng là sinh viên đại học nhưng đã nghỉ học một thời gian. T. có ý định nhảy lầu tự tử liên tiếp 2 lần từ tầng 15 và tầng 16 của tòa nhà.
Đại úy Phạm Văn Tiêm (thứ hai từ trái qua) cùng lực lượng chức năng bàn giao T. về cho gia đình (Ảnh do Công an phường Hoàng Liệt cung cấp).
Trao đổi với PV tạp chí Đời sống và Pháp, Đại úy Phạm Văn Tiêm - cán bộ thuộc tổ cảnh sát hình sự Công an phường Hoàng Liệt – người đã trực tiếp giải quyết vụ việc cho biết, khi được giải cứu an toàn, T. không nói rõ về người thân nên được đưa về trụ sở công an phường.
Tại đây, ban đầu, T. quanh co nói về nguồn cơn dẫn đến hành động tiêu cực của mình. T. cho biết, do buôn bán linh kiện máy tính, lãi 300 triệu đồng nên đã ra cây ATM rút tiền. Tuy nhiên trong quá trình di chuyển về nhà, T. bị trộm mất số tiền đó nên chán nản dẫn đến ý định tự tử chứ không mâu thuẫn với ai.
Tuy nhiên, bằng sự nhạy bén trong nghề, Đại úy Tiêm nhận thấy, với số tiền lớn như vậy, cộng thêm việc bị trộm sau khi rút tiền ở ATM quá dễ dàng là rất vô lý, nên suy đoán rằng đó không phải nguyên nhân khiến nam thanh niên nghĩ quẩn. “Tôi xác định mâu thuẫn cơ bản trong lời khai của T., nhất là việc không chịu nói về thân nhân, gia đình. Tôi đã dùng biện pháp tâm lý, yêu cầu T. mở điện thoại, kết nối dần dần mới xác định được người thân”, Đại úy Tiêm kể.
Sau khi liên hệ được về gia đình, được biết bố T. đang ở miền Nam, còn mẹ ốm nằm ở nhà. Sau khi xác minh, công an đã lập biên bản và bàn giao T. cho gia đình. Đến đón T. có chị gái và một số người thân. Tới lúc này, T. mới khai thật là do bản thân chơi bời nên vay nợ và không có khả năng trả, sợ gia đình biết chuyện nên đã nghĩ quẩn. Được biết đây không phải món nợ đầu tiên mà trước đó, T. cũng đã từng vướng vào các khoản nợ và gia đình nhiều lần phải thu xếp tiền để trả.
Theo Đại úy Tiêm, vụ việc là lời cảnh tỉnh cho gia đình cần chú ý lắng nghe, chia sẻ, tìm hiểu bản chất vấn đề, những vướng mắc mà T. đang gặp phải từ đó tháo gỡ, giải quyết kịp thời và lựa chọn phương pháp giáo dục, thuyết phục phù hợp để T. không lặp lại sai lầm, có lối sống tích cực. “Sự việc đã xảy ra, nếu gây sức ép hay trách móc thì cũng không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ càng làm T. túng quẫn và rất có thể lặp lại hành động liều lĩnh, nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi đã giải thích cho gia đình và đưa ra lời khuyên như vậy. Hy vọng, phía gia đình sẽ tiếp tục quản lý, giáo dục để T. không lặp lại sai lầm thêm một lần nào nữa”, Đại úy Tiêm nói.
Đại úy Tiêm cũng cho biết, trong trường hợp bị khống chế hoặc bị lừa đảo, người vay có thể liên hệ địa chỉ công an nơi gần nhất để tố cáo để cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ và xử lý công bằng, triệt để. Cần tránh tình trạng một mình giải quyết vấn đề, không những nguy hiểm cho bản thân mà còn có thể vi phạm pháp luật.
Chia sẻ về quá trình giải cứu, Đại úy Tiêm cho biết khi gặp những trường hợp thuộc tình huống khẩn cấp, bằng mọi cách cần nhanh chóng để ngăn chặn không để hậu quả đáng tiếc xảy ra. “Cần kịp thời tìm hiểu qua tin báo quần chúng nhân dân và căn cứ hiện trường cụ thể để có lời lẽ hợp tình, hợp lý, vừa khuyên can, vừa trấn an tinh thần cho người dân. Phải thấu hiểu và dự liệu nhanh vấn đề mà những người đang có ý định quyên sinh mắc phải để có thể đánh đúng vào tâm lý, giúp họ thôi ý định hoặc chần chừ để mình kịp thời hành động giải cứu”, Đại úy Tiêm nói.
Đại úy Phạm Văn Tiêm.
Cần tỉnh táo để tháo gỡ bế tắc
Nhìn nhận về thực trạng một bộ phận giới trẻ có lối sống thiếu lành mạnh, không có kế hoạch chi tiêu, vay tiền rồi nợ nần và giải quyết vấn đề một cách bồng bột, thiếu suy nghĩ, ảnh hưởng đến người thân và xã hội, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy - trung tâm tư vấn tâm lý Tuổi trẻ Hạnh phúc - cho rằng đó là hệ lụy của những người sống không có mục đích rõ ràng, mông lung với các kế hoạch của bản thân và định hướng tương lai.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy.
“Tôi nghĩ rằng, một nam thanh niên đã 21 tuổi thì không còn gọi là bồng bột nữa. Nếu như ở thời các cụ ngày xưa thì tầm tuổi ấy, nếu có ý chí, có mục tiêu cuộc sống rõ ràng thì đã có thể định hình được bản thân mình rồi, thậm chí, nhiều người còn lấy vợ, có con, đủ khả năng gánh vác gia đình.
Chúng ta không thể phán xét một con người chỉ dựa vào một hành động trong lúc túng quẫn mà chưa tìm hiểu nguyên nhân sâu xa. Nhưng ở góc độ tâm lý thì tôi cho rằng với những trường hợp tuổi trẻ sống lệch lạc thì ngay từ cách giáo dục trong gia đình đã có vấn đề. Vì vấn đề trong giáo dục gia đình mà bản thân họ chưa thể định hình được mục tiêu cuộc sống. Chính bố mẹ có khi cũng thiếu sự quan tâm đến con cái. Trong định hình mục tiêu của một người trẻ, trách nhiệm gia đình đóng vai trò rất rất lớn.
Nếu một đứa trẻ không được hướng dẫn ngay từ trong gia đình, hay nói cách khác là không tìm được hình mẫu từ chính gia đình mình thì sẽ có vấn đề. Người ta vẫn nói, 99% dạy bằng hành động gương mẫu của người lớn trong gia đình mới là quan trọng, việc quát mắng một đứa trẻ bắt chúng phải làm điều này, điều kia thì không phải cách giáo dục tốt nhất”, bà Túy phân tích.
Vị chuyên gia cũng nhìn nhận, vì suy nghĩ và lối sống lệch lạc nên khi không có tiền thì vay, nợ, rồi không có hướng giải quyết, không biết quý trọng cuộc sống nên dẫn đến hành động tiêu cực như là tìm đến cái chết.
“Tôi nghĩ đây là một bài học cảnh tỉnh, cha mẹ cần quan tâm đến con cái nhiều hơn. Một đứa trẻ thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội sẽ không hiểu được giá trị của đồng tiền, chúng không biết rằng, tiền lo một đám ma có thể còn nhiều hơn cả số tiền mà chúng mang nợ rồi muốn kết liễu cuộc đời.
Khi gặp bất cứ vấn đề gì rắc rối, hãy tìm cách giải quyết nó và gỡ dần. Đặc biệt, nếu không may vướng vào tín dụng đen thì hãy trình báo công an để được xử lý kịp thời, đúng pháp luật”, bà Túy nhấn mạnh.
Nhật Hạ