Theo Phụ nữ số, sáng 10/9, trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức Lễ trao bằng tốt nghiệp Đợt 2 năm 2023 cho gần 1.800 các sinh viên hệ đào tạo chính quy khóa 58 và các Khóa bổ sung, sinh viên hệ đào tạo từ xa tốt nghiệp và hệ vừa học vừa làm của nhà trường.
Tại đây, 20 tân cử nhân tiêu biểu của trường cũng được vinh danh. Họ đều là những tân cử nhân với thành tích học tập xuất sắc, giành nhiều giải thưởng, danh hiệu trong khoảng thời gian học tập dưới mái trường Ngoại Thương. Trong đó, nổi bật nhất là nam sinh gốc Nghệ An Lê Nhật Hoàng (SN 2001) - sinh viên lớp Anh 3 - Chương trình tiên tiến kinh tế.
Được biết, Hoàng tốt nghiệp với mức GPA 3.98/4.00. Ngoài ra, nam sinh còn là top 3 sinh viên đầu ra Khóa 58 của trường Đại học Ngoại thương và đồng thời là sinh viên có điểm GPA cao nhất đợt trao bằng 09/2023 của Nhà trường.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn (trái) - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương trao bằng tốt nghiệp cho Nhật Hoàng. Ảnh: VTC News
"Em không phải người học giỏi nhất, càng không phải người có thành tích hoạt động ngoại khóa nổi trội nhất hay nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất, nhưng em luôn tin rằng bản thân sẽ thành công nếu nỗ lực hết mình. Vì vậy 4 năm đại học là quãng thời gian đẹp nhất và trải nghiệm đáng giá nhất của em”, báo điện tử VTC News dẫn lời Lê Nhật Hoàng nói và bộc bạch việc trở thành thủ khoa nằm ngoài mong đợi của cậu.
Nhật Hoàng sinh ra ở Nghệ An. Cấp tiểu học cậu sống với bà ngoại vì bố mẹ đều đi học tu nghiệp ở Nhật Bản. Năm vào lớp 6, bố mẹ về nước, cậu theo gia đình ra Hà Nội. "Thời gian đầu mới ra Thủ đô, mỗi khi cất lời, em đều bị bạn bè chế giễu vì chất giọng Nghệ An. Thậm chí em nói gì, nhiều người không hiểu", Hoàng nhớ lại.
Những năm cấp 2, Hoàng đứng nhất lớp, thậm chí nhất trường về học tập. Cậu cũng nhận giấy khen học sinh tiêu biểu cấp thành phố. Đại học Ngoại thương không phải lựa chọn ban đầu. Khi thi đỗ vào lớp 10 chuyên Hoá - trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội, gia đình đặt mục tiêu cho cậu sẽ theo học cử nhân ngành Dược.
Tuy nhiên, bản thân Hoàng không muốn đi theo lối mòn nên đã đánh liều lựa chọn thi vào Đại học Ngoại thương với mong muốn học được thêm nhiều kỹ năng mềm, mở rộng mối quan hệ, tăng trải nghiệm sống. Đúng như kỳ vọng, tháng 9/2019, Hoàng trúng tuyển vào ngành Kinh tế đối ngoại (chương trình tiên tiến), trường Đại học Ngoại thương.
Khác với nhiều sinh viên năm đầu tiên khởi đầu khá nhẹ nhàng thì với nam sinh này, năm nhất là khoảng thời gian khó khăn. Lượng kiến thức đồ sộ của năm nhất, cộng với việc tham gia câu lạc bộ "nhà kinh doanh tương lai" của trường, đôi khi khiến cậu quá tải.
Hụt hẫng nhất là học kỳ đầu năm thứ 2, cậu bị một môn dính điểm B. Nhật Hoàng quyết định bỏ bớt thời gian tham gia câu lạc bộ của trường, lập nhóm 6 bạn cùng tiến nên kết quả học tập bất ngờ vọt lên. Theo nam sinh này, những nội dung được thầy cô chia sẻ trên lớp đều là kiến thức quan trọng, đã được đúc kết ngắn gọn nhất. Do đó, nam sinh luôn ngồi bàn đầu để ghi chép thuận lợi, chú tâm nghe hiểu luôn trên lớp.
Lê Nhật Hoàng từng rất hụt hẫng khi nhận điểm B ở một môn học. Ảnh: VTC News
Nhờ vậy, việc ôn thi hết môn của Hoàng khá nhẹ nhàng. Cậu thường dành 3-5 ngày cho các môn đại cương, 2-3 ngày để ôn một môn chuyên ngành. Với những môn và bài tập khó, Hoàng học cùng vài người bạn để cùng giảng giải cho nhau.
Nỗ lực không ngừng, từ học kỳ 2 năm thứ 2, Hoàng phục thù thành công và nhận học bổng học tập thường kỳ, liên tiếp được nhận học bổng dành cho top 10 và top 20 sinh viên toàn trường hai năm liền, cùng với nhiều thành tích khác.
Hoàng theo học chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại nên toàn bộ các môn đều học bằng tiếng Anh. Cậu cho biết không gặp rào cản ngôn ngữ do đầu vào trường đã yêu cầu sinh viên đạt trình độ tiếng Anh nhất định.
Theo Hoàng, học bằng tiếng Anh có nhiều ưu điểm. Nhiều thuật ngữ sẽ dễ nhớ, dễ hiểu hơn nếu được giữ nguyên bản thay vì dịch sang tiếng Việt. Chưa kể, Hoàng dễ dàng tìm đọc tài liệu quốc tế hay những bản cập nhật, điều chỉnh mới nhất mà không phải chờ dịch sang tiếng Việt.
Do chương trình liên kết với Đại học Colorado, Mỹ, Hoàng và bạn bè cũng được nhiều giáo sư từ đại học này giảng dạy. Nam sinh nói đây là cách tiếp cận với kiến thức được giảng dạy ở nước ngoài, giúp làm quen, thích nghi với môi trường quốc tế sau này.
Việc học khá suôn sẻ, nhưng Hoàng chưa có duyên với các cuộc thi. Cậu từng hy vọng lọt vào vòng chung kết hoặc top 5 trong các cuộc thi về khởi nghiệp, công nghệ tài chính nhưng thường chỉ vào đến top 10. Nam sinh nhìn nhận có thể mình chưa đủ kinh nghiệm, trong khi các đối thủ đều rất tài năng. Sau khi tốt nghiệp, nam sinh dự tính đi làm rồi mới tính chuyện học tiếp lên thạc sỹ, tiến sĩ ở Anh hoặc Úc.
Phương Uyên (T/h)