Sau khi giành học bổng tiến sĩ 8,4 tỷ Đại học Michigan danh tiếng Mỹ, nam sinh Đỗ Trọng Đạt lại tiếp tục trở thành thủ khoa trường Tự nhiên.
Đỗ Trọng Đạt giành học bổng tiến sĩ 8,4 tỷ đồng thời trở thành thủ khoa đầu ra trường Tự nhiên. Ảnh: Vietnamnet. |
Vừa qua, Đỗ Trọng Đạt đã đón nhận thêm một tin vui khi em chính thức trở thành tân thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với điểm số 3.87/4.0.
Phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp, thay mặt các tân cử nhân, Đạt bày tỏ lời tri ân tới các thầy cô - những nhà khoa học đã truyền cho mình ngọn lửa đam mê với nghiên cứu. Những năm tháng dưới mái trường này cũng giúp Đạt chiêm nghiệm ra câu rất nổi tiếng: “Cứ theo đuổi đam mê, rồi thành công sẽ theo đuổi bạn”.
Cơ duyên dẫn chàng thủ khoa trường Tự nhiên đến Mỹ
Trước đó, vào khoảng Tết Kỷ Hợi 2019, Đạt vui mừng nhận thư từ Đại học Michigan danh tiếng. Em giành được học bổng toàn phần chương trình Tiến sĩ Thống kê với tổng trị giá 8,4 tỷ đồng cho 5 năm.
Ngoài học phí, Đạt được hỗ trợ sinh hoạt phí 2.600 USD/ tháng (gần 70 triệu đồng). Michigan là ước mơ của nhiều sinh viên quốc tế, đứng thứ 30 trong bảng xếp hạng các trường Đại học hàng đầu thế giới của QS (2015-2016), thứ 21 trong bảng xếp hạng các trường Đại học hàng đầu thế giới của Times Higher Education (2015-2016).
Liền sau Michigan, hai đại học lớn của Nhật Bản và Pháp liên tiếp gửi thư mời Đạt phỏng vấn. Đại học Michigan là ưu tiên số 1 nên Đạt đã từ chối các cơ hội này.
Cơ duyên dẫn Đạt đến với Michigan từ sự khao khát học tập, tìm hiểu Thống kê, lớp Toán tài năng được học rất kĩ kiến thức Toán lý thuyết. Để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu Thống kê Ứng dụng, Đạt xin nghe giảng ở lớp Toán Tin. Đạt biết được thêm đủ thứ, từ cách dùng máy tính để thống kê đến thống kê trong thực tế sẽ như thế nào.
Cậu sinh viên “học ké”, ưa thích 1001 câu hỏi này đã lọt vào “mắt xanh” của giảng viên Trịnh Quốc Anh. Thầy giao cho Đạt một bài tập thú vị, đọc, tóm lược và trình bày một đề tài nghiên cứu của GS. Nguyễn Xuân Long.
Sau 3 tháng trôi qua, thầy Quốc Anh và GS. Nguyễn Xuân Long đánh giá cao kết quả làm việc của Đạt. Thầy Nguyễn Xuân Long hiện đang công tác tại Khoa Thống kê, Đại học Michigan. Thầy thuộc thế hệ những người Việt Nam đầu tiên tiếp cận và theo đuổi ngành Thống kê học hiện đại, hay còn gọi là Khoa học dữ liệu.
Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô trong khoa Toán-Cơ-Tin học, Đạt đã may mắn có được một buổi phỏng vấn với thầy Nguyễn Xuân Long. Sau suốt 3 tiếng đồng hồ phỏng vấn về Toán bằng tiếng Anh với Đạt, thầy Long chốt: “Em nộp hồ sơ đi”.
Hồ sơ xin học bổng được chấp nhận, Đạt lần lượt đáp ứng loạt yêu cầu khó khăn của Đại học Michigan. Hồ sơ còn gồm 3 thư giới thiệu của các giảng viên uy tín của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là GS. Đặng Hùng Thắng, TS. Tạ Công Sơn, PGS. Lê Minh Hà, và chứng chỉ tiếng Anh mà Đạt thấy còn khiêm tốn: IELTS 6.5.
GRE là vòng thi Đạt cho là khó nhất, gồm các bài thi bằng tiếng Anh: Toán, từ vựng và tự luận. GRE (viết tắt từ cụm từ tiếng Anh “Graduate Record Examinations” – tạm dịch là Kỳ thi chứng nhận tốt nghiệp) là tiêu chuẩn hàng đầu để xét điều kiện nhập học sau đại học ở Hoa Kỳ. Bài thi Toán có 40 câu, Đạt giành số điểm tuyệt đối 170/170, điểm số mà chỉ 4% thí sinh tham dự đạt được.
Đạt nhận thông báo đỗ vào trường Đại học Michigan vào mùng 4 Tết Kỷ Hợi 2019. “Dường như “Tết” đến nhà em tận hai lần”, Đạt nói.
“Người học Toán không hề khô khan”
Nam sinh Đỗ Trọng Đạt cho rằng người học Toán không hề khô khan. Ảnh: Dân Trí. |
Ngoài giờ học hay nghiên cứu, Đạt cũng bay bổng với những giai điệu ngọt ngào của tiếng đàn guitar. Cậu chơi thêm cả piano và luôn giành thời gian rảnh rỗi cho sách và những người bạn.
Đạt rất ngưỡng mộ A. Einstein vì ngoài việc là một nhà khoa học xuất sắc, ông còn chơi violin và piano rất giỏi. Cậu nhận thấy sự liên hệ giữa khoa học và âm nhạc qua những lời nói của ông: “Nếu tôi không nghiên cứu khoa học thì chắc hẳn tôi sẽ là một nhạc sĩ. Tôi thường nghĩ trong tiếng nhạc.”
Ngoại trừ việc nghiên cứu, giảng dạy hay chia sẻ kiến thức cũng là niềm đam mê của Đạt. Để thoả mãn đam mê này, cậu đã tạo ra một blog riêng chia sẻ những bài viết về Xác suất Thống kê.
Cậu còn đi dạy thêm môn Toán. Ở mỗi tiết dạy, Đạt cũng luôn cố gắng lồng ghép các chuyện kể về Toán học hay những ứng dụng thực tế của chúng. Đạt cho rằng, điều này một phần nào đó có thể khiến Toán học gần gũi và “bớt phức tạp” hơn với mọi người.
Hai tuần nữa, Đạt sẽ lên đường sang Mỹ du học. Với cậu, đây chỉ là bước đầu trong sự nghiệp nghiên cứu của mình. Trong những năm học tiến sĩ và sau đó, Đạt mong muốn có thể đóng góp và phát triển cho nền Thống kê nước nhà.
Thanh Tùng (T/h)