Theo VietNamNet, bệnh nhận C.T.L (14 tuổi, trú tại Hải Dương) được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng tình trạng dập nát bàn tay trái, gãy xương bàn ngón I, đầu ngón I, V còn hồng.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân bị tai nạn trong lúc đang ăn lẩu bằng bếp gas mini. Ngay lập tức, gia đình đã đưa đi nam sinh này đi cấp cứu tại một bệnh viện lớn khác tại Hà Nội và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn phẫu thuật.
Với tổn thương này, bác sĩ đánh giá vấn đề chức năng bàn tay của bệnh nhân sẽ bị giảm đi rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến học tập, sinh hoạt và lao động sau này, đặc biệt còn ảnh hưởng đến tâm lý.
Hình ảnh phim chụp X-quang của bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo dịp cuối năm và nghỉ Tết Nguyên đán, việc ăn lẩu có thể gây mất an toàn cháy nổ (do sử dụng bình ga, cồn…). Bệnh viện đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp gặp tai nạn thương tâm khi sử dụng những bếp lẩu loại này, thậm chí có người tử vong. Vì vậy, người dân nên sử dụng những loại bếp lẩu an toàn để hạn chế tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Trước đó, ngày 18/1, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An cho biết, bệnh viện cũng tiếp nhận bé trai V.A (13 tuổi, quê Long An) bị nát bàn tay phải, nhiều vết bỏng nhiệt vùng trán, ngực vai hai bên do dùng bình ga mini nấu ăn, bất ngờ bình gas phát nổ.
Bé trai được người thân đưa vào Bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, da niêm hồng nhạt, mạch nhanh, huyết áp tụt. Dập nát hoàn toàn bàn tay phải, lộ gân cơ xương nham nhở, nhiều vết thương lóc da nham nhở cánh tay, cẳng tay hai bên; nhiều vết bỏng nhiệt vùng trán, ngực vai hai bên; hai mắt xuất huyết kết mạc, đầy dị vật dạng bụi tro màu đen.
Sau ca phẫu thuật, bé được theo dõi sát sao và mắt bé đã được soi nhiều lần để đảm bảo loại bỏ hết dị vật. Các bác sĩ tiến hành khâu đóng da và ghép da thì hai các vết thương. Sau 7 ngày, bé đã tỉnh táo, da trở lại màu hồng tự nhiên, lấy lại thị lực ở cả hai mắt. Các vết thương đã được chăm sóc kỹ lưỡng và vận động tay chân của bé đều tốt.
Nguyễn Linh (T/h)