Câu chuyện dân gian về 12 con giáp
Ở nhiều nước phương Đông, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam đều có cách tính “12 con giáp”. Theo cách tính này, có 11 loài vật của hai nước đều giống nhau, bao gồm: Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Thìn (rồng), Tỵ (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó) và Hợi (heo).
Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật, Thạc sĩ Lín Qiān Péng, giảng viên trường Đại học Tây Nam (Trùng Khánh, Trung Quốc) cho biết về câu chuyện dân gian về 12 con giáp ở Trung Quốc: “Vào ngày đầu tiên của năm mới, Ngọc hoàng đại đế muốn chọn ra 12 con vật làm vị thần đại diện cho mỗi năm. Rất nhiều con vật muốn tham gia, trong đó mèo và con chuột lúc đó là bạn tốt.
Đến ngày 30 giáp Tết, mèo nhờ chuột đánh thức nó vào ngày hôm sau để cùng nhau đi tiến cử. Nhưng không ngờ, chuột đã âm thầm đi một mình, khiến mèo mất cơ hội, vì vậy không có mèo trong 12 con giáp Trung Quốc. Từ đó, mèo và chuột kết thù oán với nhau, mèo hễ thấy chuột là cắn”.
Theo thầy Lín Qiān Péng, ngoài ra còn có cách lý giải khác như sau: “Trong tiếng Hoa, phát âm tên con mèo là “mao”, rõ là khá giống người Việt phát âm “mèo”. Cả hai cách phát âm bắt nguồn từ âm tiếng Hán thời xưa “mão”. Ở Trung Quốc ngày xưa thường bị lẫn lộn giữa mèo và thỏ trong cách viết và phát âm.
Vì thỏ là loài vật có nhiều ý nghĩa hơn mèo trong văn hóa truyền thống Trung Hoa nên người Trung Quốc về sau này đã quyết định chọn con Thỏ để đưa vào 12 con giáp”.
Ở Trung Quốc, thỏ được cho là con vật tượng trưng cho những gì hạnh phúc nhất. Những người sinh năm thỏ được cho là sống tốt bụng, uy tín, trung thành dù có đôi chút bí ẩn.
Vì sao “thỏ” được thay bằng “mèo” trong 12 con giáp Việt Nam?
Bức tranh dân gian Đông Hồ – Đám cưới chuột, có sự xuất hiện của mèo.
Có nhiều lý giải khác nhau về việc trong văn hóa Việt, mèo là con vật đại diện cho năm mão.
Dù đã tiếp thu Thập Nhị chi (12 con giáp) của Trung Quốc, song có lẽ do yếu tố môi trường tự nhiên nên người Việt đã không tiếp thu y nguyên mô hình ở Trung Quốc mà biến cải cho phù hợp với môi trường sống của mình.
"Tôi khá bất ngờ khi sang Trung Quốc du học thì mới biết trong 12 con giáp của đất nước này không có con mèo. Tôi thấy Thỏ là loài gặm nhấm như chuột, trong khi chuột cũng là một trong 12 con giáp. Thông thường, các con giáp nên là độc nhất và khác biệt với nhau. Nên tôi thấy việc 12 con giáp Việt Nam bỏ thỏ thay vào chuột rất hay, độc đáo và đặc biệt là phù hợp với văn hóa Việt", bạn Hà Thị Trang, du học sinh trường Đại học Tây Nam (Trùng Khánh, Trung Quốc) bày tỏ.
Ở Việt Nam dường như loài thỏ không có đặc điểm gì nổi bật, ngoài việc được đánh giá là một loài vật hiền lành. Trong khi đó, từ xưa đến nay loài mèo được xem là “hổ con” và là loài vật nuôi rất gắn bó với cuộc sống của nhiều gia đình tại Việt Nam, xuất hiện trong ca dao, tục ngữ, các bài hát... Mèo cũng có tài bắt chuột, giúp ích nhiều cho các gia đình, đặc biệt trong nền kinh tế nông nghiệp.
"Việt Nam là văn hóa thảo mộc, nên mèo được nuôi và gần gũi với người Việt hơn là thỏ. Dù là năm con mèo hay không thì ở nhà tôi từ tranh, đồ dùng trong nhà đến đèn lồng đều có hình ảnh mèo", ông Nguyễn Ngọc Sơn (72 tuổi, Hàng Mã, Hà Nội) chia sẻ.
Một lý giải khác cho rằng thay thế thỏ bằng mèo trong 12 con giáp đã được chấp thuận rộng rãi và hợp lý. Theo Reuters, thỏ là một loài gặm nhấm, chuột (Tí) cũng là loài gặm nhấm, trong khi 12 con giáp cần độc nhất và khác biệt.
Dân gian Việt Nam có câu “ghét nhau như chó với mèo”. Sự khác biệt hay thậm chí đối đầu nhau giữa một số con vật biểu trưng trong 12 con giáp đã thể hiện sự cân bằng âm dương trong vòng xoay vũ trụ, giúp giải quyết các mâu thuẫn.
Nông Thảo Ly