Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nam Định: Tràn lan tàu thuyền “ma” trên sông Đào

(DS&PL) -

Cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện nhiều tàu thuyền chở hàng hóa không có giấy tờ chứng minh, không đăng ký, đăng kiểm hay quá hạn đăng kiểm đã lâu.

Cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện nhiều tàu thuyền chở hàng hóa không có giấy tờ chứng minh, không đăng ký, đăng kiểm hay quá hạn đăng kiểm đã lâu.

Tràn lan phương tiện thủy nội địa không đăng kiểm

Thực trạng này diễn ra đã lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để. Những chiếc thuyền chở hàng hóa không có bất kỳ một giấy tờ nào, không hồ sơ thiết kế như quy định về đăng kiểm hay đăng kiểm đã quá hạn lâu vẫn lưu thông hàng ngày trên các con sông lớn của tỉnh Nam Định.

Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều tàu chở hàng đã hết hạn đăng kiểm.

Ngày 15/1, Phòng Cảnh sát Đường thủy tỉnh Nam Định đã kiểm tra toàn bộ hoạt động tàu thuyền vận chuyển hàng hóa lưu thông trên lưu vực sông Đào (Nam Định). Qua đó, tiến hành kiểm tra 3 trạm kiểm soát của đơn vị phòng CSĐT Nam Định đó là Chợ Chùa, Tân Đệ và Ninh Cơ.

Thời điểm kiểm tra phát hiện, tàu chở cát BKS -NB 2986, do chủ tàu là Trần Hồng Quỳnh điều khiển xuất phát từ Ninh Bình có giấy phép đăng kiểm đã quá hạn sử dụng. Đồng thời, chở quá tải 10 tấn.

Tàu chở đất nạo vét của sông Hồng mang BKS - 6787 do chủ tàu là Trần Thế Anh điều khiển không xuất trình được giấy tờ cũng như các hóa đơn chứng từ.

Lưu vực sông Đào (Nam Định) có chiều dài 33km. (Ảnh: Google Map)

Tàu chở đất nạo vét sông Hồng có BKS - 2689 do chủ tàu là Cù Đức Tuấn điều khiển, toàn bộ giấy tờ đã quá hạn đăng kiểm.

Tàu chở đất đồi khai thác xuất phát từ Hòa Bình lên đến Hà Nội có BKS - 0074 do chủ tàu Trần Văn Giáp điều khiển không có bất kỳ giấy tờ, cũng như hóa đơn chứng từ hàng hóa.

Vì sao các phương tiện thủy “né” đăng kiểm?

Theo thống kê đến 12/2017 của Cục Đăng kiểm Việt Nam, toàn quốc có khoảng 280.000 phương tiện thủy, với gần 90.100 phương tiện đã được đăng kiểm. Song, điều đáng nói là vẫn còn hàng vạn phương tiện bỏ đăng kiểm định kỳ. Nguyên nhân của tình trạng này là do các phương tiện hoạt động cầm chừng nên chủ phương tiện không muốn đăng kiểm lại. Đặc biệt lực lượng chức năng chưa thắt chặt trong việc tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm nên tình trạng này vẫn tái diễn.

Ông Đỗ Trung Học – Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt nam cho biết, vài năm gần đây, tình trạng phương tiện thủy không quay lại đăng kiểm định kỳ xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Nam Định. Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn định kỳ thống kê, thông báo danh sách cụ thể phương tiện đã hết hạn đăng kiểm ở từng địa phương trên trang điện tử, nhằm cung cấp thông tin đến các cơ quan chức năng địa phương để thuận tiện trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.

CSGT đường thủy Nam Định kiểm tra vạch mớn nước của phương tiện thủy trên sông Hồng

Trước đó, chia sẻ về vấn đề này, Đại tá Trần Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, phương tiện đường thủy ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hành khách và hàng hóa với tỷ lệ hiện đại. Tuy nhiên, tình trạng phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT, khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát số lượng phương tiện này.

Lãnh đạo Cục CSGT cũng cho rằng, liên ngành Đăng kiểm, CSGT, Đường thủy nội địa cần tổng điều tra phương tiện toàn quốc để có số liệu thực phục vụ xây dựng kế hoạch hoàn thiện công tác đăng ký, đăng kiểm.

Bất lực với phương tiện “nhiều không”?

Đối với các phương tiện thủy nội địa phòng Cảnh sát Đường thủy Nam Định vừa xử lý, Phó phòng CSĐT Đỗ Đình Sơn cho biết: “Các phương tiện tàu thuyền được đi từ Ninh Bình, Quảng Ninh về Nam Định. Đồng thời, vận chuyển hàng hóa hầu hết là vật liệu xây dựng, cát, đá, than, đất. Phần lớn tàu chở hàng đều quá hạn đăng kiểm, vượt quá trọng tải và không có hóa đơn chứng từ”.

Cũng theo Trung tá Hoàng Thọ Hải, Phó phòng CSĐT Nam Định chia sẻ, các tuyến sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ trên địa bàn đặc thù có rất nhiều phương tiện thủy “nhiều không”: Không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không bằng lái, chứng chỉ chuyên môn… “Khi phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm thì tàu thuyền không có vạch mớn nước, không có căn cứ để xử phạt.

Tàu thuyền, xà lan chở hàng quá tải tiềm ẩn nguy hiểm an toàn giao thông. (Ảnh minh họa)

Với những phương tiện này, nhìn thấy rõ ràng chở hàng nặng đến nỗi nước mấp mé mũi thuyền, nguy cơ tai nạn giao thông rất cao, nhưng cũng không xử lý được bởi kể cả có tạm giữ phương tiện thì phòng cũng không có bãi tạm giữ; xử lý người điều khiển cũng rất khó khăn vì họ không có giấy tờ gì mang theo. Rồi khi phát hiện phương tiện thủy chở quá tải vẫn phải phạt cho tồn tại cũng vì không có nơi san tải hàng hóa”, Trung tá Hải nói.

Một lần nữa, vấn đề xử lý vi phạm không triệt để. Phạt hành chính không được, thu giữ phương tiện cũng khó khăn. Cơ quan chức năng chỉ biết tuần tra, nhắc nhở trong khi người dân vẫn tiếp tục vi phạm.

Năm 2017, Phòng CSGT Đường thủy Công an tỉnh Nam Định đã phát hiện, xử lý 2.421 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thủy, với các lỗi chủ yếu về đăng ký, đăng kiểm, quá vạch dấu mớn nước an toàn, thiếu thiết bị an toàn, thuyền viên…

Hoàng Giang (T/h)

Tin nổi bật