VietNamNet đưa tin, tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chiều ngày 28/6, nói về công tác làm đề thi, GS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: “Chúng tôi đang định hướng đề thi càng ngày càng phải hướng đến năng lực học sinh và có sự phân hóa, đặc biệt ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Như vậy, nhiều trường đại học top đầu vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để làm cơ sở cho việc xét tuyển đại học”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng cho hay, đề thi tốt nghiệp năm 2024 đã mở hơn, có yếu tố phân hóa hơn, chính là nhằm từng bước để chuyển trạng thái cho học sinh sang năm sẽ học và thi tốt nghiệp theo chương trình phổ thông mới 2018.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống
Tại buổi họp báo, có ý kiến cho rằng, những tin đồn về lộ đề thi môn Ngữ văn thường xuất hiện nhiều hơn các môn khác và một trong những lý do chính là nguồn ngữ liệu để sử dụng vào làm đề thi thường chỉ tập trung vào những tác phẩm trong sách giáo khoa.
Liên quan đến ngữ liệu đề Ngữ văn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay: “Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chắc chắn sẽ khác với kỳ thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Bởi, chúng ta đang thực hiện "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" thì ngữ liệu sẽ đến từ nhiều bộ sách giáo khoa. Thứ hai, hoàn toàn có thể ‘mở’ cả những ngữ liệu không trong sách giáo khoa. Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là hình thành cho học sinh phẩm chất và năng lực, chứ không phải hướng tới thuộc bài trong sách. Việc này sẽ hạn chế được việc học tủ, học lệch, thậm chí hạn chế được cả việc đoán đề hay văn mẫu”.
Theo ông Thưởng, Bộ GD&ĐT và toàn ngành giáo dục đã và đang thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, trong đó có đổi mới thi, kiểm tra đánh giá. “Yêu cầu đặt ra là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đổi mới để đảm bảo giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy để lấy kết quả tuyển sinh vào đại học, cao đẳng”, ông Thưởng nói.
Đại diện Bộ GD&ĐT cũng khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 không chỉ giảm số môn thi mà còn giảm áp lực, thời gian và tốn kém.
Trước đó, vào cuối năm 2023, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố phương thức tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Phương án được lựa chọn là phương án 2+2, tức là 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn.
Từ năm 2025 trở đi, nội dung thi tốt nghiệp THPT sẽ bám sát nội dung, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phương án 2+2 tức gồm 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Như vậy, với phương án này, Ngoại ngữ - môn học được coi là công cụ để hội nhập - không phải là môn bắt buộc.
Theo Bộ GD&ĐT, trong những phương án từng được đưa ra lấy ý kiến thì đây là phương án thi ít môn nhất nên chắc chắn tiết kiệm kinh phí nhất.
Về hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp, theo Bộ GD&ĐT, sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình phổ thông 2018.
Bộ GD&ĐT cho biết, giai đoạn 2025 - 2030, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau 2030 sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính. Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm, thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống.