Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Năm 2023, Bộ GTVT giải ngân vốn đầu tư công cao "kỷ lục"

  • Nguyễn Lâm
(DS&PL) -

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 sáng 28/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến tháng 12/2023, ước giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến hết niên độ đạt trên 95%.

Theo đó, năm 2023, Bộ GTVT được Chính phủ giao giải ngân hơn 94.160 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022, gấp 2,2 lần năm 2021, cùng với 19,9 tỷ đồng bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng Bộ GTVT nhận định đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và nhiều thách thức trong bối cảnh nhiều dự án mới được khởi công, công tác giải phóng mặt bằng mặc dù đã đi sớm một bước nhưng chưa đáp ứng được tiến độ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Để hoàn thành nhiệm vụ này đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm, đổi mới trong triển khai thực hiện của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án và sự đôn đốc, giám sát chặt chẽ của các cơ quan tham mưu. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng phải hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng, thủ tục chuyển đổi đất rừng tại các dự án trọng điểm, đặc biệt là cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị

Trong năm 2023, Bộ GTVT đã khởi công 26 dự án (đường bộ 18 dự án, đường thủy 2 dự án, đường sắt 3 dự án, hàng hải 2 dự án và khối xây dựng 1 dự án). Bộ đã hoàn thành 20 dự án, trong đó có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475km, nâng tổng số km đường bộ cao tốc cả nước lên 1.892km.

Thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Bộ GTVT đã giao chi tiết kế hoạch và điều chỉnh linh hoạt qua 10 đợt, đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; thực hiện điều chuyển kịp thời vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn.

Ngoài ra, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư/ban quản lý dự án xây dựng tiến độ giải ngân cụ thể hàng tháng, bám sát thực tế, tổ chức, sắp xếp, kiện toàn bộ máy, bổ sung nhân sự phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý dự án, cá thể hóa trách nhiệm các chủ thể trong từng khâu, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong quá trình thanh toán.

Các nhà thầu được yêu cầu bố trí đầy đủ nhân lực, máy móc, tài chính, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp. Vì vậy, kết quả giải ngân hàng tháng của Bộ GTVT luôn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.

XEM THÊM: Những địa phương nào có nguy cơ ùn tắc đăng kiểm dịp cuối năm?

Năm 2024, Bộ GTVT đặt kế hoạch giải ngân trên 95% số vốn được giao; khởi công 19 dự án và hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch, trong đó đưa vào khai thác cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác lên 2.021 km.

Ngành giao thông cũng đặt mục tiêu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Nguyễn Lâm

Tin nổi bật