Mỹ đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới với Myanmar sau cuộc khủng hoảng khiến hơn 1 triệu người Hồi giáo Rohingya phải chạy trốn sang Bangladesh.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Heather Nauert, kể từ ngày 25/8, chính phủ Mỹ đã dừng quá trình xem xét việc miễn visa Mỹ cho các cựu lãnh đạo quân đội Myanmar từ khi cuộc khủng hoảng Rohingya lên đến đỉnh điểm. Hiện tại, Nhà Trắng đang cân nhắc những lệnh trừng phạt kinh tế mới với quốc gia này như “một lời cảnh cáo” đến các cá nhân có liên quan tới “hành vi đàn áp tàn ác”.
Ông Nauert cho biết thêm: "Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại sâu sắc tới cuộc xung đột tại bang Rakhine, Myanmar cũng như nhiều vụ tấn công bạo lực và mất mát người dân Rohingya phải gánh chịu". Trước đó, chính phủ Mỹ đã nhiều lần gửi điện tín yêu cầu chính phủ đương nhiệm phải có động thái dẹp yên cuộc khủng hoảng này.
Người dân tị nạn Rohingya - Ảnh: Getty |
Lời tuyên bố trên là một trong những dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ tái áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Myanmar từ năm 1997. Cựu tù nhân chính trị và lãnh đạo Myanmar tại nhiệm, bà Aung San Suu Kyi, đã miêu tả các hoạt động quân sự ở Rakhine như một “chiến dịch chống khủng bố” và chính quyền của bà không làm điều gì “bất hợp pháp”.
Đáp trả tuyên bố trên, ông Nauert cho biết tất cả các đơn vị quân đội Myanmar và các sĩ quan tham gia vào hoạt động quân sự tại bang Rakhine sẽ không được nhận hoặc tham gia bất kỳ chương trình trợ giúp nào của Mỹ.
Hiện nay, Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền và một số nước đồng minh với Mỹ đang thảo luận những cơ chế trừng phạt thương mại quốc tế có thể áp dụng với Myanmar.
Trong tuần trước, Liên minh EU đã hủy bỏ lời mời các quan chức cao cấp Myanmar tới thăm châu Âu và cho biết sẽ xem xét lại tất cả các thỏa thuận quốc phòng trước đó, đe dọa hủy bỏ hợp tác nếu tình hình ở bang Rakhine không được cải thiện.
Trả lời phỏng vấn sáng ngày 24/10, ông U Nyan Win, phát ngôn viên của đảng Quốc gia Dân chủ, cho biết các biện pháp trừng phạt hiện nay với Myanmar là không công bằng: "Chủ tịch của chúng tôi, bà Aung San Suu Kyi, đã hứa sẽ tìm hiểu lý do tại sao người dân tìm cách vượt biên sang Bangladesh và công khai mọi thông tin với cộng đồng quốc tế”.
Cố vấn chính phủ cao cấp Myanmar Aung San Suu Kyi - Ảnh: ABC |
Chính phủ Mỹ từng bắt đầu một chương trình cấm vận với Myanmar từ tháng 5/1997 do chính quyền quân sự độc tài lên nắm quyền tại quốc gia này vào thời điểm đó. Chương trình này kết thúc vào năm 2016, dưới thời Tổng thống Barack Obama. Năm 2013, Liên minh châu Âu cũng đã bãi bỏ các biện pháp trừng phạt với Myanmar, ngoại trừ lệnh cấm vận vũ khí.
Thu Phương (Theo Bloomberg)