Reuters đưa tin, Mỹ và các đồng minh phương Tây đang đánh giá xem liệu Nga có nên tiếp tục nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20), sau khi quốc gia này triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine hay không.
G20 là nền tảng quốc tế hàng đầu trong việc phối hợp về các vấn đề kinh tế, nợ xuyên biên giới cho đến biến đổi khí hậu.
Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters.
Cũng theo hãng tin, ngày 22/3, Ba Lan thông báo đã đề xuất với Mỹ về việc để nước này thay thế Nga trong G20 và cho biết đã nhận phản hồi tích cực. Một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Mỹ nói rằng Bộ trưởng Gina Raimondo đã hoan nghênh quan điểm của Ba Lan về nhiều chủ đề, nhưng bà không đại diện cho quan điểm của chính phủ Mỹ về đề xuất gia nhập G20 của Ba Lan.
Năm 2014, Nga bị loại khỏi nhóm G8 sau khi sáp nhập Crimea từ Ukraine và nhóm này đổi tên thành G7.
G20 là một nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới nhằm mục đích phối hợp hành động về các vấn đề ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả biến đổi khí hậu và phát triển.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Mỹ Jone Biden có quyết định loại Nga khỏi G20 khi gặp các đồng minh tại Brussels, Bỉ tuần này hay không, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng "Nga không thể hoạt động như bình thường trong các tổ chức quốc tế và cộng đồng quốc tế". Tuy nhiên, Mỹ có kế hoạch tham khảo ý kiến đồng minh trước khi đưa ra quyết định.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt, loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, ngăn Moscow tiếp cận các công nghệ tiên tiến và đưa nhiều tài phiệt, quan chức Nga vào danh sách cấm vận.
Mỹ đã áp lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, song châu Âu vẫn tránh điều này, vì phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga ở mức độ lớn hơn nhiều so với Mỹ. Tổng thống Mỹ được cho là sẽ tuyên bố áp lệnh trừng phạt 300 nghị sĩ Hạ viện Nga trong chuyến thăm Brussels.
Mộc Miên (Theo Reuters)