Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tại sao Mariupol quan trọng trong chiến dịch quân sự tại Ukraine?

(DS&PL) -

Đối với Moscow, việc chiếm được thành phố cảng công nghiệp Mariupol của Ukraine có ý nghĩa thiết thực và mang tính biểu tượng.

The Guardian đưa tin ngày 22/3 (giờ địa phương), thành phố cảng Mariupol của Ukraine đã bị lực lượng Nga bao vây trong vòng 3 tuần. Trong suốt chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, từ 100.000-200.000 người vẫn bị mắc kẹt trong Mariupol, nơi tiếp tục bị bắn phá không ngừng.

Chính quyền địa phương cho biết 80% cơ sở hạ tầng của thành phố đã bị phá hủy, một số khác không thể sửa chữa. Thành phố không có nước, điện và không thể sưởi ấm, số lượng người tử vong cũng không thể thống kê được. Trong tuần này, Ukraine đã bác bỏ tối hậu thư của Nga yêu cầu đầu hàng tại Mariupol.

Nếu Mariupol sụp đổ thì đây sẽ là một "đòn" kinh tế đối với Ukraine và là một chiến thắng mang tính biểu tượng cho Nga. Andrii Ianitskyi, người đứng đầu trung tâm báo chí kinh tế tại Trường Kinh tế Kyiv, nói với Guardian: “Mariupol có một ý nghĩa thiết thực và mang tính biểu tượng đối với nước Nga".

“Đó là một thành phố cảng lớn và là căn cứ của các lực lượng vũ trang Ukraine. Vì vậy, nếu người Nga muốn có một hành lang đất liền từ Donbas đến Crimea, họ cần phải kiểm soát thành phố", ông Andrii Ianitskyi nói. 

Kể từ năm 2014, Mariupol có vị trí cách xa khoảng 30km so với các vùng lãnh thổ ly khai do Nga kiểm soát ở Donbas.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy mức độ tàn phá do bom gây ra ở Mariupol, miền Đông Ukraine. Ảnh: Shutterstock.

Kinh tế bị bóp nghẹt

Mariupol là một trung tâm luyện kim về sắt thép, sản xuất máy móc hạng nặng và sửa chữa tàu biển. Các nhà máy thép lớn nhất của Ukraine thuộc sở hữu của tập đoàn luyện kim hàng đầu của đất nước Metinvest, nằm ở Mariupol. Một trong số chúng, Azovstal, đã bị hư hại nặng do pháo kích của Nga trong tuần này.

Ông Ianitskyi cho biết quân đội Nga không chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự mà còn cả cơ sở hạ tầng kinh tế, với mục đích Mariupol chịu nhiều thiệt hại nhất có thể.

Mariupol cũng là nơi có cảng thương mại lớn nhất ở Biển Azov, ở đó Ukraine xuất khẩu ngũ cốc, sắt thép và máy móc hạng nặng. Vào năm 2021, các điểm đến chính cho hàng hóa xuất khẩu của Ukraine từ cảng Mariupol là các nước châu Âu và Trung Đông như Ý, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ.

Người dân đi bộ dọc theo một con phố gần một khu căn hộ bị phá hủy do pháo kích ở Mariupol. Ảnh: Reuters. 

Cảng đã bị ảnh hưởng sau khi cuộc chiến tranh Donbas bắt đầu, do mất lưu lượng hàng hóa quá cảnh từ các thị trường cũ, bao gồm cả Nga. Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã xây dựng một cây cầu nối bán đảo này với đất liền và đơn phương áp đặt các hạn chế đối với tàu bè qua eo biển Kerch.

Chủ nghĩa tượng trưng và tuyên truyền

Ông Ianitskyi nói, việc chiếm được Mariupol cũng có một ý nghĩa biểu tượng. Năm 2014, Mariupol, thành phố lớn thứ hai ở vùng Donetsk, chịu sự chiếm đóng ngắn ngủi của các lực lượng thân Nga. Sau khi Ukraine mất quyền kiểm soát đối với thủ đô Donetsk của khu vực, Mariupol đã tiếp đón số lượng lớn nhất những người di cư từ các khu vực Donbas bị chiếm đóng, hơn 96.000 người vào năm 2019.

Mariupol không chỉ nằm trong lãnh thổ được gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk, một khu vực được Nga công nhận, mà nó còn là một phần trong tầm nhìn của Tổng thống Nga Vladimir Putin về “Novorossiya” - một lãnh thổ trải dài miền Đông và miền Nam Ukraine dọc theo bờ Biển Đen được ông Putin coi là “vùng đất lịch sử của Nga”.

Nếu chiếm được Mariupol cũng sẽ là một chiến thắng to lớn đối với hoạt động tuyên truyền của Điện Kremlin. Thành phố này từng là căn cứ của tiểu đoàn Azov, một đơn vị bán quân sự trước đây có nguồn gốc từ các nhóm cực hữu và tân phát xít Đức. Mặc dù họ là một phần nhỏ trong lực lượng vệ binh quốc gia của Ukraine, nhưng tuyên truyền của Nga đã tuyên bố các chiến binh Azov phải chịu trách nhiệm cho các vụ làm hại dân thường và tàn phá ở Mariupol.

Bích Thảo (Theo The Guardian) 

Tin nổi bật