Hãng tin CNN hôm 12/4 nhận định Mỹ có khả năng dùng tàu khu trục, tàu ngầm và máy bay chiến đấu trong trường hợp tấn công vào Syria.
Tàu khu trục USS Nitze hoạt động trên biển Địa Trung Hải - Ảnh: Getty. |
Hai tàu khu trục của Hải quân Mỹ được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk đang ở vị trí và sẵn sàng để được đưa vào hoạt động cùng các máy bay phản lực và tàu ngầm. Tổng thống Mỹ Donald Trump phải chăng đã bổ sung thêm cảnh báo liên quan đến việc ra lệnh tấn công quân sự vào các mục tiêu ở Syria.
Hôm 11/4, ông Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter rằng tên lửa Mỹ "sắp phóng vào lãnh thổ của Syria", và cảnh báo Nga "nên chuẩn bị tinh thần".
Những quan chức quân sự hàng đầu đã đến Nhà Trắng vào chiều hôm 10/4 để thảo luận các phương án về vấn đề Syria, và các quyết định liên quan tới cách phản ứng lại cuộc tấn công hóa học hồi cuối tuần trước vẫn chưa được thực hiện, những người biết về các cuộc thảo luận nói.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định cùng ngày rằng cuộc không kích tên lửa vẫn là một trong nhiều lựa chọn trong danh sách và cho biết bài viết trên Twitter của Tổng thống Trump không làm phức tạp thêm kế hoạch phản ứng của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tiết lộ, Washington đang cân nhắc thông tin tình báo về "vụ tấn công hóa học" và nói rằng quân đội Mỹ đã sẵn sàng thực hiện theo lệnh của Tổng thống Trump. "Chúng tôi sẵn sàng côngboos các lựa chọn quân sự nếu chúng phù hợp", ông Mattis cho hay.
Chuyên gia phân tích quân sự John Kirby của đài CNN cho rằng tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng có khả năng buộc các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ phải thay đổi các phân tích liên quan tới "mục tiêu, thời gian và làm việc theo nhóm".
Vệ tinh và máy bay do thám của Mỹ đang theo dõi liên tục các dấu hiệu "Tổng thống Syria Bashar al-Assad và lực lượng Nga dùng các cảnh báo trước của Washington nhằm đưa máy bay, vũ khí và nhân viên quân sự ra khỏi các mục tiêu có khả năng bị tấn công".
Sau tuyên bố "tấn công tên lửa vào Syria" của ông Trump, giới chức quân sự Mỹ sẽ phải sửa lại danh sách mục tiêu tiềm tàng vì Nga và chế độ ông Assad đã nhận được cảnh báo và chắc chắn sẽ hành động. Các mục tiêu này có khả năng sẽ gồm sân bay, địa điểm bị cáo buộc chứa chất hóa học, những vị trí tại thủ đô Damascus...
Động thái tấn công những hệ thống phòng không Syria hay các vị trí gần Damascus có khả năng gửi đi thông điệp mạnh mẽ hơn, tuy nhiên cũng có nguy cơ đẩy cao con số thương vong và leo thang xung đột, ông Kirby nói.
Các máy bay ném bom B-1 nằm trong số các phi đội Không lực Mỹ có thể triển khai tên lửa tầm xa tầm xa. - Ảnh: Getty. |
Tàu ngầm Hải quân Anh HMS Astute được trang bị 38 ngư lôi và tên lửa. - Ảnh: Getty. |
Ngoài 2 tàu khu trục được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk của hải quân Mỹ đang ở gần lãnh hải Syria, sẵn sàng chiến đấu, Mỹ cũng có thể điều tàu ngầm tại Địa Trung Hải, tiêm kích tàng hình F-22 ở Qatar để thực hiện vụ tấn công.
Tiêm kích F-22 này có khả năng được dùng nhằm tránh hệ thống phòng không của Syria.
Chuyên gia Adam Mount đến từ Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS) trả lời đài CNN rằng: "Mỹ sẽ chọn tấn công tầm xa từ tàu ngầm hoặc máy bay nhằm làm giảm thiệt hại. Tên lửa tàng hình JASSM mới có khả năng được phóng từ những máy bay B-1B và B-52".
Bên cạnh đó, Mỹ cũng mong muốn một số đồng minh như Anh, Pháp… đưa tàu và máy bay hỗ trợ. CNN trước đó tiết lộ Tổng thống Donald Trump đã thảo luận về những lựa chọn dành cho Syria với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May.
Tờ Daily Telegraph hôm 12/4 cho biết bà May vừa yêu cầu triển khai tàu ngầm gần Syria, trong phạm vi hoạt động của tên lửa và ở vị trí sẵn sàng.
Ngoài ra, Pháp có 10 chiến đấu cơ Rafale đóng tại Jordan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) có khả năng tấn công mà không cần phải đi qua không phận Syria. Nước này còn có thể phát động tấn công từ tàu khu trục Aquitaine có 16 tên lửa hành trình và 16 tên lửa đất đối không.
Một máy bay chiến đấu Rafale của Pháp - Ảnh: Getty. |
Pháp cũng có thể điều máy bay Rafale từ lãnh thổ nước này và thực hiện các chuyến bay tiếp nhiên liệu để đưa chúng đến Syria.
GIA BẢO (Theo CNN)