Reuters dẫn thông tin từ một quan chức Mỹ cho hay, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã tiến gần hơn đến một thỏa thuận nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD của chính phủ trong 2 năm và cắt giảm chi tiêu đối với hầu hết các khoản.
Cũng theo quan chức này, thỏa thuận sẽ chỉ định tổng số tiền mà chính phủ có thể chi cho các chương trình như nhà ở và giáo dục, nhưng không chia nhỏ số tiền đó thành các hạng mục riêng lẻ.
Một nguồn tin khác tiết lộ, tổng số tiền chi tiêu của chính phủ có thể lên tới hơn 1.000 tỷ USD, song con số hai bên đưa ra đang chênh lệch khoảng 70 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters
Nhà Trắng thông tin, hai bên đã có cuộc họp trực tuyến vào ngày 25/5. Các nhà đàm phán của đảng Cộng hòa đã rút lại kế hoạch tăng chi tiêu quân sự trong khi cắt giảm chi tiêu quốc phòng, thay vào đó ủng hộ việc Nhà Trắng thúc đẩy việc chi tiêu cân bằng đối với hai khoản ngân sách.
Theo Tổng thống Biden, hai bên vẫn chưa thống nhất được việc nên cắt giảm ở lĩnh vực nào. “Tôi không tin là toàn bộ gánh nặng sẽ rơi vào tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động Mỹ”, ông Biden chia sẻ với các phóng viên.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nói với phóng viên vào tối ngày 25/5 rằng hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Ông cho hay: “Chúng tôi biết điều này sẽ không dễ dàng”.
Không rõ chính xác Quốc hội Mỹ còn bao nhiều thời gian để giúp nước Mỹ thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Bộ Tài chính Mỹ từng cảnh báo nguy cơ không còn khả năng thực hiện tất cả nghĩa vụ thanh toán vào ngày 1/6.
Tuy nhiên, hôm 25/5, cơ quan này cho biết có thể sẽ bán khoản nợ trị giá 119 tỷ USD sắp đến hạn, đồng thời gợi ý rằng ngày 1/6 không phải hạn chót cố định.
Bất cứ thỏa thuận nào cũng cần thông qua Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát. Điều này có thể gặp khó khăn khi một số đảng viên Cộng hòa cánh hữu và nhiều đảng viên Dân chủ tự do bày tỏ sự khó chịu trước viễn cảnh thỏa hiệp.
“Tôi không nghĩ cuối cùng mọi người sẽ vui vẻ. Đó không phải là cách hệ thống hoạt động”, ông McCarthy nói.
Được biết, Hạ viện Mỹ đã tạm dừng vào chiều ngày 25/5 và bắt đầu kỳ nghỉ kéo dài 1 tuần, còn Thượng viện Mỹ không họp. Các nhà lập pháp được yêu cầu sẵn sàng quay lại bỏ phiếu nếu đạt được thỏa thuận.
Theo Reuters, việc Mỹ vỡ nợ có thể khiến thị trường tài chính toàn cầu bị đảo lộn và đẩy nước này vào suy thoái. Hôm 25/5, Cơ quan xếp hạng tín dụng DBRS Morningstar đã đưa Mỹ vào diện xem xét khả năng bị hạ bậc, lặp lại những cảnh báo tương tự của Fitch, Moody's và Scope Ratings.
Đinh Kim (Theo Reuters)