Ngày 24/5, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu để thông qua một nghị quyết của Đảng Cộng hòa nhằm ngăn chặn chương trình xóa nợ cho sinh viên của Tổng thống Joe Biden và chấm dứt việc chính quyền tạm dừng thanh toán khoản vay sinh viên liên bang.
Kết quả cuộc bỏ phiếu là 218-203, với sự ủng hộ của hai đảng viên Dân chủ, bao gồm Hạ nghị sĩ Jared Golden và Hạ nghị sĩ Marie Gluesenkamp Perez. Tuy nhiên, nghị quyết này được cho là khó được thông qua tại Thượng viện. Trước đó, hôm 22/5, Nhà Trắng tuyên bố sẽ phủ quyết nghị quyết này nếu Quốc hội thông qua.
Hạ viện Mỹ. Ảnh: Getty
Chương trình của ông Biden nếu được thực hiện sẽ xóa bỏ khoản vay sinh viên liên bang lên tới 20.000 USD cho 43 triệu người Mỹ.
Cụ thể, Chính phủ Mỹ sẽ xóa 10.000 USD tiền nợ cho những người có thu nhập dưới 125.000 USD/năm. Đối với các cựu sinh viên đã được nhận trợ giúp liên bang theo chương trình trợ cấp Pell (hỗ trợ các sinh viên thuộc gia đình thu nhập thấp), số nợ được xóa sẽ là 20.000 USD.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính rằng kế hoạch này sẽ tiêu tốn khoảng 315 tỷ USD, có thể giúp khoảng 43 triệu người Mỹ từng vay nợ để học đại học và cao học hưởng lợi
Các đảng viên Cộng hòa đã chỉ trích gay gắt chương trình này, cho rằng nó tạo gánh nặng cho người nộp thuế và không công bằng đối với những người Mỹ đã trả hết nợ hoặc không học đại học.
Ngược lại, chính quyền Biden lập luận rằng chi phí giáo dục đại học đã trở thành " gánh nặng suốt đời " đối với những người Mỹ có thu nhập thấp và trung bình. Chính quyền cho biết trong một tuyên bố rằng chương trình này cung cấp cho mọi người "không gian thở" để trả các khoản vay sauđại dịch và cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tuyên bố từ Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ cũng cho biết việc xóa nợ dựa trên “quyền hạn hàng thập kỷ do Quốc hội cấp” để bảo vệ người vay tiền khỏi tác động của các trường hợp khẩn cấp quốc gia.
Mộc Miên (Theo NCB News)