Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mỹ thừa nhận khả năng viện trợ Ukraine ngày càng giảm

  • Phương Uyên
(DS&PL) -

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan mới đây thừa nhận khả năng viện trợ Ukraine của Mỹ sẽ ngày càng giảm nếu không có thêm ngân sách cho điều này.

Hãng thông tấn Tass dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết khả năng viện trợ Ukraine của Mỹ sẽ ngày càng giảm. Song, nước này vẫn đang cung cấp mọi hỗ trợ quân sự cần thiết mà phía Kiev yêu cầu.

“Mỗi tuần trôi qua, khả năng viện trợ cho Ukraine các công cụ và năng lực cần thiết để bảo vệ lãnh thổ và tiếp tục đạt được những tiến bộ ngày càng trở nên khó khăn hơn”, ông Sullivan nói đồng thời nhấn mạnh Mỹ vẫn có thể cung cấp hỗ trợ quân sự theo yêu cầu của Ukraine. Nhưng nếu có thêm kinh phí, Washington có thể thực hiện điều đó trên cơ sở chắc chắn và nhất quán hơn.

Mỹ thừa nhận khả năng viện trợ Ukraine ngày càng giảm. Ảnh: Reuters

Thông tin trên được Cố vấn Sullivan đưa ra chỉ vài ngày sau khi người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby tiết lộ với báo giới rằng Mỹ đã sử dụng hết 96% nguồn tiền phục vụ việc phân bổ viện trợ cho Ukraine.

“Tổng số tiền cung cấp cho Ukraine kể từ khi chiến sự với Nga nổ ra đã vượt quá 60 tỷ USD và đó không chỉ là hỗ trợ an ninh; đó là hỗ trợ kinh tế, tài chính và nhân đạo. Chúng tôi đã sử dụng khoảng 96% ngân sách", ông John Kirby nói trong một cuộc họp báo. Ông nhắc lại rằng Mỹ vẫn hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga và nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm viện trợ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ukraine Serhii Marchenko gần đây tiết lộ nhu cầu tài chính của Ukraine đối với viện trợ nước ngoài vào năm 2024 hiện đã lên tới 41 tỷ USD. Các thống kê sơ bộ cho thấy, nước này vẫn cần thêm khoảng 29 tỷ USD viện trợ nữa mới đạt mức dự kiến.

Theo ông Marchenko, ngân sách Nga dành cho chiến dịch quân sự được cho là rơi vào khoảng 115 tỷ USD - gấp 2,5 lần so với ngân sách Ukraine. Nếu không có sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, Ukraine sẽ phải cắt giảm đáng kể chi tiêu phi quân sự. 

Mỹ là hiện quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ chiến sự với Nga nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất lên quốc hội nước này gói ngân sách an ninh trị giá gần 106 tỷ USD.

Nhà Trắng muốn qua gói này cung cấp thêm cho Ukraine 61 tỷ USD, 14 tỷ USD cho Israel và 31 tỷ USD còn lại sẽ được chi cho việc đối phó với Trung Quốc, củng cố năng lực quốc phòng các đồng minh khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như hỗ trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza, Ukraine và Israel.

Tuy nhiên, đề xuất trên vẫn chưa được thông qua do vấp phải sự phản đối của nhiều nhà lập pháp bao gồm cả Chủ tịch Hạ viện mới đắc cử Mike Johnson. Ông Johnson tuyên bố viện trợ sẽ đến Ukraine trong thời gian ngắn nhưng nhấn mạnh rằng các chính sách an ninh biên giới cứng rắn hơn của Mỹ phải được ưu tiên.

Phương Uyên (Theo Tass)

Tin nổi bật