Lại thêm đề xuất nhượng bộ lãnh thổ, Ukraine phản ứng thế nào?
Ông Mikhail Podolyak - cố vấn Tổng thống Ukraine ngày 12/11 tuyên bố nước này không cần bất kỳ sáng kiến nào, trong đó yêu cầu nước này nhượng lại một phần lãnh thổ để đổi lấy một số bảo đảm và tư cách thành viên NATO.
Theo ông Podolyak, giải pháp duy nhất hiện nay là "viện trợ quân sự hoặc công nghệ" quy mô lớn cho Ukraine. Tuyên bố của quan chức Ukraine được đưa ra sau khi Guardian hôm 11/11 dẫn lời cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói rằng NATO nên mời Ukraine tham gia liên minh mà không cần xem xét đến các vùng lãnh thổ mà Ukraine không còn kiểm soát.
"Đã đến lúc thực hiện bước tiếp theo và đưa ra lời mời Ukraine gia nhập NATO. Chúng ta cần một cấu trúc an ninh châu Âu mới, trong đó Ukraine là trung tâm của NATO", ông Rasmussen nói.
Ukraine tuyên bố không nhượng bộ lãnh thổ với Nga. Ảnh: CNBC News
Ông nhấn mạnh vấn đề Ukraine trở thành thành viên NATO không thể tiếp tục bị trì hoãn vào năm sau. Cựu Tổng thư ký NATO lập luận rằng, bằng việc loại trừ các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, nguy cơ xung đột Nga - NATO sẽ giảm bớt.
"Độ tin cậy tuyệt đối của Điều 5 (Hiến chương NATO) sẽ ngăn cản Nga tiến hành các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Ukraine khi Ukraine đã trở thành thành viên NATO, từ đó Ukraine có thể đưa thêm lực lượng ra tiền tuyến", ông Rasmussen nói thêm.
Điều 5 trong Hiến chương NATO nêu rõ, bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một hoặc nhiều quốc gia thành viên NATO sẽ bị coi là chống lại toàn bộ liên minh quân sự gồm 30 thành viên do Mỹ dẫn dắt.
"Để làm cho Điều 5 trở nên đáng tin cậy, cần phải gửi một thông điệp rõ ràng tới Nga rằng bất kỳ hành vi vi phạm lãnh thổ nào của NATO sẽ bị đáp trả. Ông cho biết ở một khía cạnh nào đó, đề xuất này tương tự việc áp đặt vùng cấm bay đối với Nga để nước này không thể bay qua lãnh thổ Ukraine hoặc phóng tên lửa vào các thị trấn của Ukraine", ông Rasmussen lập luận.
Ukraine chuẩn bị nhận viện trợ gấp đôi từ Đức
Ngày 12/11, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhất trí tăng gấp đôi khoản viện trợ quân sự cho Ukraine lên mức 8 tỷ euro trong năm sau.
Nếu được quốc hội phê chuẩn, mức tăng này sẽ nâng chi quốc phòng của Đức vượt ngưỡng 2% GDP theo như cam kết của các thành viên NATO. Bộ Quốc phòng Đức chưa bình luận về thông tin trên, theo Reuters. Hiện Đức là nước cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, chỉ sau Mỹ.
Ukraine chuẩn bị nhận viện trợ gấp đôi từ Đức. Ảnh: Reuters
Động thái của Đức mang đến dấu hiệu tích cực cho chính quyền Kyiv trong bối cảnh kế hoạch của Liên minh Châu Âu (EU) kêu gọi chi đến 20 tỉ euro cho viện trợ quân sự Ukraine hiện vấp phải sự phản đối của một số thành viên EU.
Trong khi đó, Tổng thống Latvia Edgars Rinkēvičs cho rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine. Vì thế, phương Tây phải tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ an ninh cho chính quyền Kyiv để tránh nguy cơ kịch bản tương tự Ukraine tái diễn ở những nước khác của châu Âu. Latvia hiện là thành viên EU lẫn NATO.
Trong một diễn biến khác, tờ Washington Post (Mỹ) và tạp chí Der Spiegel (Đức) đưa tin ông Roman Chervinsky, đại tá lực lượng đặc nhiệm Ukraine, chính là nhân vật "điều phối" chiến dịch phá hoại các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 vào cuối tháng 9/2022. Đây là các hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Nga đến châu Âu.
Theo các nguồn thạo tin, Washington Post và Der Spiegel công bố kết quả điều tra cho thấy đại tá Chervinsky đã thực hiện theo mệnh lệnh từ các quan chức Ukraine. Và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoàn toàn không biết về chiến dịch này. Chính quyền Kyiv chưa bình luận về thông tin trên.
Phương Uyên ( T/h)